Tấm gương phản chiếu từ người lớn

GD&TĐ - Trẻ em không tự nhiên biết cách tôn trọng người khác. Chúng học được điều này thông qua thực tế cuộc sống.

Trẻ cần tôn trọng bản thân để biết tôn trọng người khác. Ảnh minh họa
Trẻ cần tôn trọng bản thân để biết tôn trọng người khác. Ảnh minh họa

Tôn trọng người lớn tuổi không chỉ là yêu cầu về mặt đạo đức, mà còn là thói quen cần thiết để hòa nhập với xã hội. 

Cha mẹ là người đồng hành cùng con trong suốt chặng đường trưởng thành và phát triển. Để con biết tôn trọng mọi người, đặc biệt là người lớn tuổi, cha mẹ cần trở thành người truyền cảm hứng cho trẻ qua từng lứa tuổi.

“Bước đệm”

PGS.TS Đỗ Ngọc Khanh - Trưởng ban nền nếp và tư vấn tâm lý học đường Trường Quốc tế Gateway chia sẻ, điều cần thiết là trẻ được nuôi dưỡng ý thức tôn trọng bản thân và mọi người. Đây là nền tảng vững chắc giúp trẻ hình thành tư duy giáo dục về sự tôn trọng. Đặc biệt, khi biết tôn trọng bản thân, trẻ sẽ dễ dàng tôn trọng người khác, bao gồm người cao tuổi.

“Tôn trọng bản thân đóng vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân. Sự tôn trọng có liên quan mật thiết đến sức khỏe tinh thần và kết quả học tập của trẻ. Những trẻ có sự tôn trọng bản thân cao, có sức khỏe tinh thần tốt và đạt thành tích cao trong học tập. Đồng thời, các em hòa nhập xã hội tốt, có những mối quan hệ lành mạnh với bạn cùng lứa và người lớn. Ngược lại, những trẻ có sự tôn trọng bản thân thấp thường có vấn đề về lo âu”, chuyên gia cho hay.

PGS Khanh lấy dẫn chứng, các nghiên cứu cho thấy, trẻ em tôn trọng bản thân sẽ tự tin và có khả năng. Trẻ thấy được các giá trị và khả năng của mình. Trẻ tự hào về những việc mình có thể làm và sẽ cố gắng thử cái mới. Bên cạnh đó, trẻ sẽ có xu hướng đứng lên tự bảo vệ mình và đề nghị sự giúp đỡ từ người lớn khi gặp khó khăn.

Do đó, ở trường, mỗi cô giáo là một tấm gương về sự tôn trọng, giúp trẻ hình thành tính cách. Trong gia đình, cha mẹ chính là những người gần gũi nhất và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng hành vi, tính cách của trẻ. Theo PGS Khanh, cha mẹ chính là những mô hình đầu tiên để trẻ noi theo, là mô hình mẫu mực để trẻ học tập.

Các nghiên cứu cho thấy, bằng cách hỗ trợ nhưng không quá bao bọc, cha mẹ có thể giúp trẻ xây dựng sự tôn trọng bản thân. Theo PGS Khanh, cha mẹ có thể khen trẻ đúng cách để xây dựng sự tôn trọng và tự hào về những nỗ lực, thành tựu.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên giúp trẻ kết nối để xây dựng tình bạn. Bởi, tình bạn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành sự tôn trọng bản thân.

“Tìm ra thế mạnh của trẻ và khích lệ con hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó, giúp trẻ thấy mình có khả năng hoàn thành. Có thể hướng dẫn thật chi tiết để chắc chắn trẻ làm được. Khi tự làm được việc gì đó, con sẽ tự tin và tôn trọng bản thân”, PGS Khanh lý giải.

Một yếu tố quan trọng khác là cha mẹ nên dành thời gian bên con. Như vậy, trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm cũng như tình yêu thương. Cha mẹ có thể trò chuyện, vui chơi và đọc sách cùng con, chia sẻ những điều thú vị về một ngày ở trường trước khi đi ngủ. 

Phụ huynh cần tôn trọng con để làm gương. Ảnh minh họa
Phụ huynh cần tôn trọng con để làm gương. Ảnh minh họa

Những người truyền cảm hứng

Chia sẻ về lòng tôn trọng, Phan Linh - nhà tư vấn phụ huynh và chuyên gia về tâm lý học trẻ em cho biết, rất nhiều người quan niệm rằng, trẻ phải được dạy và học về cách tôn trọng.

Tuy nhiên, nữ chuyên gia này chia sẻ, tại Na Uy, người lớn luôn chào trẻ trước. Lý do là bởi, người lớn có nhận thức tốt hơn và cần làm gương trong việc tôn trọng trẻ.

“Tôi nghĩ rằng, có lẽ sự tôn trọng không hẳn là được dạy và học. Bởi, sự tôn trọng là thứ mà chúng ta trong vai trò làm cha mẹ, người chăm sóc, phải mất nhiều thời gian để tìm kiếm, tích góp theo năm tháng. Không có đứa trẻ nào tự nhiên sinh ra đã biết tôn trọng ông bà, cha mẹ”, chuyên gia Phan Linh bày tỏ.

Thay vào đó, sự tôn trọng sẽ phát triển tự nhiên khi trẻ được truyền cảm hứng từ người lớn. Theo chuyên gia này, tôn trọng không bao giờ có thể đạt được thông qua sự xấu hổ, trừng phạt, loại trừ hoặc cảm giác tội lỗi. Điều duy nhất có ở đây là sự mất kết nối và sợ hãi.

Do đó, nếu muốn con biết tôn trọng người xung quanh, đặc biệt là người cao tuổi, cha mẹ cần bắt đầu bằng cách tôn trọng con trước.

“Tôn trọng không phải là thứ cha mẹ có thể ép buộc con hành động, như yêu cầu trẻ dọn đồ chơi hay làm bài tập về nhà”, chuyên gia Phan Linh nhấn mạnh.

Cha mẹ có thể yêu cầu con cư xử tôn trọng và có trách nhiệm. Tuy nhiên, để mang tới sự thay đổi lâu dài, phụ huynh cần làm gương và giúp thay đổi thái độ của trẻ với người khác, trong đó có người cao tuổi. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Làm quen” qua từng giai đoạn

Theo chuyên gia Phan Linh, trẻ sẽ học được sự tôn trọng thông qua từng lứa tuổi.

Đối với trẻ sơ sinh, các bé thường tìm hiểu về thế giới thông qua cha mẹ và người chăm sóc - những người giáo viên đầu tiên. Mối quan hệ này với thế giới phát triển khi cha mẹ đáp ứng nhu cầu về cảm xúc và thể chất của con. Ở giai đoạn này, trẻ có 2 câu hỏi lớn cần lời đáp là: “Con có thể tin bố mẹ không?” và “Ai là người có trách nhiệm?”.

Do đó, chuyên gia gợi ý, phụ huynh hãy tạo thói quen ăn uống, ngủ nghỉ điều độ phù hợp, nhẹ nhàng. Không nên áp đặt hay cứng nhắc, nhằm mang lại cho trẻ sự đảm bảo rằng, cha mẹ đang đáp ứng nhu cầu và con có thể tin cậy được. Đó chính là bước đầu để con biết tôn trọng.

Tiếp theo, trẻ cần hiểu, con phải là người chịu trách nhiệm. Thời gian ngủ trong giai đoạn này là một thử nghiệm quan trọng. Cha mẹ mang tới những điều kiện tốt nhất cho con không đồng nghĩa là không có những giới hạn hay kỳ vọng. Bởi, trẻ ở độ tuổi này nhanh chóng biết nói “không”.

Thông qua tất cả những tương tác với con như dạy trẻ có thể chơi ở đâu, chơi những gì, phụ huynh sẽ giúp bé hiểu, mình luôn quan trọng với cha mẹ. Tuy nhiên, sự tôn trọng những tài sản của cha mẹ là nền tảng để tôn trọng tài sản của người khác.

Trong khi đó, chuyên gia Phan Linh cho biết, trẻ ở độ tuổi mẫu giáo là nhóm đang khám phá thế giới. Con sẽ tự hỏi: Cha mẹ có đang nhìn mình không, mình thuộc về ai? Do đó, trẻ cần hai sự đảm bảo khác biệt: Sự an toàn khi biết cha mẹ đang dõi theo và sự hiểu biết rằng, con là một phần quan trọng trong gia đình.

“Khi biết cha mẹ đang dõi theo, niềm tin của đứa trẻ tăng lên. Con biết mình có giá trị và được bảo vệ. Vì vậy, con không dành nhiều năng lực cảm xúc chỉ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản. Điều đó giúp con có thể phản hồi và thể hiện sự quan tâm tới người khác. Đó là bản chất của sự tôn trọng”, chuyên gia này chia sẻ.

Vì vậy, cha mẹ cần tìm ra những cách đơn giản để trẻ không ích kỷ thông qua rèn luyện lòng trắc ẩn và sự quan tâm. Một số hành động nhỏ nhưng ý nghĩa có thể là: Thả xu vào hộp từ thiện, nói với con về những người rơi vào tình trạng nguy cấp khi thấy một chiếc xe cấp cứu chạy qua. Những hành động này tạo ra suy nghĩ vượt ngoài nhu cầu của con. Qua đó, giúp trẻ phát triển yêu thương và tôn trọng với người khác.

Để trẻ biết tôn trọng người lớn tuổi, cha mẹ cần thường xuyên nói lời cảm ơn con. Sau đó, hãy nhắc nhở trẻ làm điều tương tự với mọi người. Yếu tố quan trọng khác là, phụ huynh cần yêu cầu con nhường chỗ hoặc mở cửa cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, hãy thiết lập ranh giới. Đặc biệt là, trẻ không cắt ngang khi người lớn, người cao tuổi đang nói chuyện, trừ khi được làm vậy.

Trong khi đó, chuyên gia Phan Linh cho rằng, khi lớn hơn, trẻ vị thành niên vượt khỏi ranh giới thời thơ ấu. Trẻ tương tác với nhiều người hơn bên ngoài xã hội thay vì chỉ có thành viên trong gia đình. Để con biết tôn trọng người lớn tuổi, cha mẹ cần thể hiện, mình thực sự lắng nghe trẻ. Phụ huynh cần để con hiểu rằng, cha mẹ và con không ngang hàng.

Việc không cho phép con nói chuyện thiếu tôn trọng với bạn bè cũng là “bước đệm” để con biết tôn trọng người xung quanh, bao gồm người già. Phụ huynh cũng được khuyến khích sử dụng giọng điệu tôn trọng với con. Nhờ đó, con sẽ có hành động tương tự với người lớn.

Ngoài ra, hãy yêu cầu con viết những lời cảm ơn, dù là đơn giản để gửi tới mọi người. Đặc biệt, phụ huynh cần tìm cơ hội để con giúp đỡ mọi người, nhất là người cao tuổi. Như vậy, con sẽ biết đặt mình vào vị trí của người khác. Trẻ sẽ hiểu rằng, những người khác có thể không nghĩ hoặc hành động như con, nhưng vẫn cần được tôn trọng.

Đối với thanh thiếu niên, chuyên gia Phan Linh nhấn mạnh, cha mẹ nên giúp con phát triển lòng tự trọng và cách đối xử tôn trọng với người cao tuổi. Quy tắc vàng ở giai đoạn này là: Thanh thiếu niên tôn trọng người khác vì đó là cách họ muốn được đối xử.

Cách để phát triển lòng tự trọng là thông qua trách nhiệm. Bởi vậy, chuyên gia này cho rằng, cha mẹ cần giao nhiều trách nhiệm hơn cho con. Thông qua trách nhiệm, con biết rằng quyết định của mình có thể gây ra hậu quả. Sau đó, con sẽ được dành thời gian để thực hành về việc chịu trách nhiệm trong những thách thức hàng ngày.

“Không có gì đảm bảo trong việc nuôi dạy con, bởi trẻ em cuối cùng cũng đưa ra lựa chọn của riêng mình. Tuy nhiên, đừng bao giờ quên rằng, con sẽ có lợi nhất khi có mối quan hệ bền chặt với cha mẹ. Điều đó bắt nguồn từ sự tôn trọng và kiến thức, sự yêu thương đủ của phụ huynh để dạy con về tầm quan trọng của sự tôn trọng người khác”, chuyên gia Phan Linh bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.