Tưởng rất dễ, thế nhưng trong “Tái sinh” - vở kịch về đề tài công an nhân dân của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội vừa mới “trình làng” đến công chúng, những sự lựa chọn ấy là cả một cuộc đấu tranh...
"Có" hay "Không"?
Phải nói ngay rằng, vở kịch "Tái sinh" là "đứa con tinh thần" đầu tiên được Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội trực tiếp xây dựng để tham gia Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân lần thứ IV, diễn ra vào khoảng giữa tháng 7 này. Cũng vì thế, vở kịch có sự tham gia của các nghệ sĩ là giảng viên, sinh viên (năm thứ 2, thứ 3) của trường, trước tiên sẽ là bài ca về những người chiến sĩ công an nhân dân.
Đó là một Chí Phong – người chiến sĩ công an kinh tế dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng bản lĩnh chiến đấu với tội phạm luôn vững vàng, không hề nao núng. Đó là một ông Đương – người đứng đầu cơ quan công an thành phố luôn là người thủ trưởng, thầy được đồng nghiệp và thế hệ sau kính nể. Đó là bóng hình những người chiến sĩ công an ở nhiều vị trí khác nhau: cảnh vệ, mật vụ, quân y... luôn tận tụy trong công việc mà cũng rất đỗi ấm áp, ân tình với đồng chí, đồng đội và nhân dân.
Thế nhưng, nếu chỉ dừng ở "bài ca" tung hô thì chắc chắn "Tái sinh" sẽ không khỏi bị lọt thỏm, nhạt nhòa và đi vào lối mòn để rồi dễ bị lãng quên. Không dừng ở đó, "Tái sinh" còn là cả câu chuyện về sự lựa chọn – lựa chọn của những người chiến sĩ công an trước một tình bạn, tình yêu và cả nhiệm vụ sinh tử.
Vở kịch được mở ra từ không gian của quán bar toàn trai xinh, gái đẹp đu đưa với rượu, chất cấm, nhục dục... Thế giới ấy được bảo kê vững chắc bởi những "cậu giời" con nhà đại gia như Anh Khoa cùng đám tay đàn em "hảo hạng" giang hồ sẵn sàng chết vì chủ. Đã thế, "cậu giời" Anh Khoa còn chủ quan cầm chắc sự bảo kê "kiên cố" khi có bố là bạn chí cốt với giám đốc công an thành phố (ông Đương), có em rể tương lai (Chí Phong) đang công tác trong ngành công an và chính anh ta cũng được lên kế hoạch trở thành con rể của ông Đương.
Ấy vậy mà "tường thành" nhiều lớp ấy vẫn bất ngờ bị "xuyên thủng" bởi tinh thần thép, không khoan nhượng của những "lớp bọc" là người chiến sĩ công an nhân dân như ông Đương như Chí Phong. Thực ra, họ đều có quyền lựa chọn "Có" hay "Không". "Có" ở đây là sự bắt tay hợp tác với tội phạm, chỉ cần làm ngơ "mũ ni che tai" để mặc chúng gieo rắc những cái chết trắng cho toàn xã hội. Đồng nghĩa với đó, tình yêu và tiền tài của cá nhân họ sẽ được bảo toàn.
Trái lại, nếu chọn "Không" thì sẽ là không đồng lõa, không thỏa hiệp với chúng để rồi bất cứ lúc nào cũng bị đe dọa trắng tay từ tình yêu cho đến sự nghiệp, thậm chí là cả mạng sống. Dẫu vậy, những người chiến sĩ công an, đặc biệt là những người chiến sĩ trẻ vẫn quyết tâm lựa chọn cho mình con đường chông gai, hiểm nguy để mang lại sự bình yên cho xã hội. Vì vậy, bài ca về người chiến sĩ công an nhân dân ở "Tái sinh" không phải là những tung hô xuôi chiều mà luôn luôn là sự đấu tranh từ chính tư tưởng, nội tâm của mỗi người: "Có" hay "Không" trước biết bao cám dỗ của cuộc đời.
Cùng những vỉa tầng
Vở kịch "Tái sinh" được đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng từ kịch bản "Ngọn gió trong đêm" của tác giả Nguyễn Toàn Thắng. Ở "Tái sinh" không có tiếng súng vang lên, không có những pha vây ráp tội phạm rầm rập… nhưng vẫn đủ sức tạo ra sự gay cấn khi được dàn dựng bằng phong cách hiện đại, tiết tấu nhanh mạnh. Bên cạnh đó, sự kết hợp của những cảnh diễn hình thể, ánh sáng và hiệu ứng của visual (thị giác) cũng tạo ra sự độc đáo của vở diễn.
Theo đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai, bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật, vở kịch "Tái sinh" cố gắng đạt tiêu chí về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân song cố gắng tránh những hô hào, lên gân. "Tái sinh" hướng sang vấn đề con người được xoáy vào tình đồng chí - đồng đội, tình cha con, tình yêu – tình bạn, tình người… Đặc biệt, khi tham gia hội diễn, "Tái sinh" muốn mang đến một quan điểm mới giữa những câu chuyện được nhiều vở diễn kể về tội phạm, thường là già dơ, có tiềm lực, vị thế.
Đấy là việc hướng sang quan điểm về giới trẻ - kể cả được đặt vào môi trường tốt chưa chắc đã trở thành người tốt. Chẳng hạn, như Anh Khoa – con của ông Toàn – một doanh nhân thành đạt có thể suốt ngày ở nhà mà chưa hẳn đã là ngoan. Việc ông Toàn chu cấp đầy đủ cho anh ta về kinh tế rồi sẵn sàng cho anh ta du học chưa chắc đã là cách giáo dục tốt. "Điều cần hơn cả là sự theo sát của gia đình, của cha mẹ với con cái, của nền giáo dục đối với từng cá nhân. Còn nếu không theo sát thì dù xung quanh có hoàn hảo song xấu vẫn xấu, phạm tội vẫn phạm tội. Càng nguy hiểm hơn nữa khi tội phạm trẻ thường manh động, thường đưa ra những quyết định không giống ai và gây ra những hậu quả khôn lường đối với đời sống xã hội", đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai trăn trở.
Với tác giả Nguyễn Toàn Thắng, không phải khi nói về chiến sĩ công an thì lúc nào cũng phá án. Chính vì vậy, anh gửi gắm vào "Tái sinh" những gì thật mới, thật tươi trẻ để kể câu chuyện về người chiến sĩ công an hy sinh ở nhiều góc độ, có đủ cung bậc cảm xúc cùng sự hấp dẫn, tiết tấu nhanh hướng đến khán giả hôm nay.
"Ở "Tái sinh" là sự đánh đổi của mỗi người cho ngành nghề đã chọn là rất lớn – đặc biệt là những chiến sĩ công an. Trong đó, quan trọng hơn cả là trách nhiệm của mỗi người trước công việc được giao", tác giả Nguyễn Toàn Thắng nói.
"Trong mọi vấn đề thì vấn đề con người với con người luôn là khó nhất. Việc nói "Có" hay "Không" chưa bao giờ dễ dàng. Ở vở kịch "Tái sinh" sẽ không hẳn kể chuyện công an mưu trí hay tội phạm mưu trí mà còn kể chuyện về sự lựa chọn của mỗi người, đặc biệt là giới trẻ hôm nay". - Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai