Tại sao thịt đà điểu có màu đỏ?

Không phải ngẫu nhiên mà thịt đà điểu lại có màu đỏ mà điều này có liên quan tới loại cơ của chúng.

Tại sao thịt đà điểu có màu đỏ?

Cao tới 2,7 mét và sở hữu đôi chân dài, thân hình to lớn cùng cặp mắt to như nắm tay của trẻ em – đó là những đặc điểm nổi bật của một con đà điểu trưởng thành. Chúng là loài chim lớn nhất hành tinh và thậm chí có thể giết chết một con sư tử chỉ bằng một cú đá.

Đà điểu có một điểm khác biệt với những người anh em trong họ hàng nhà chim là chúng không biết bay.

Tuy nhiên, điều đó không thể làm khó đà điểu khi muốn chạy trốn khỏi những kẻ săn mồi bởi chúng có thể chạy nước rút với vận tốc lên tới 70 km/h và chạy đường dài ở vận tốc khoảng 50 km/h. Chính vì vậy mà đà điểu được mệnh danh là loài động vật hai chân nhanh nhất trên thế giới.

Tốc độ của chúng thậm chí còn trở nên vô cùng ấn tượng khi cân nhắc đến việc chúng có trọng lượng tới hơn 180 kg. Tuy không thể bay nhưng đôi cánh của đà điểu không hề vô dụng.

Chúng giúp đà điểu giữ thăng bằng trong khi chạy và hoạt động như bánh lái để có thể đổi hướng nhanh chóng với tốc độ nhanh nhất. Bên cạnh đó, những con đà điểu đực còn sử dụng bộ cánh lớn để thu hút bạn tình trong mùa sinh sản.

Theo How Stuff Works, đà điểu sống chủ yếu ở vùng sa mạc hoang vắng nên thường rất linh hoạt trong chế độ ăn uống. Chúng có thể ăn hầu như tất cả mọi thứ: thực vật, thằn lằn, các loại hạt, châu chấu và sỏi (bởi sỏi giúp chúng nghiền thức ăn dễ dàng hơn trong quá trình tiêu hóa).

Đối với những con đà điểu được nuôi ở trang trại, đặc tính dễ ăn uống đã khiến chúng trở thành một khoản đầu tư mang lại lợi nhuận tương đối cao.

Chúng phát triển nhanh, tiêu thụ ít thức ăn hơn và sinh sản thường xuyên hơn so với một số loại gia súc khác. Tại Mỹ, thịt đà điểu được coi là một món đặc sản có giá trị cao được nhiều người ưa chuộng.

Tại sao thịt đà điểu lại đặc biệt? Điều đầu tiên cần nhắc tới chính là mặc dù đà điểu là gia cầm nhưng thịt của chúng lại đỏ chứ không có màu trắng như hầu hết các loài chim khác.

Hơn nữa, loại thịt đỏ này của đà điểu, tuy có màu sắc và mùi vị khá giống nhưng lại chứa ít chất béo, calo và cholesterol hơn thịt bò và thậm chí là cả những loại thịt gia cầm màu trắng khác như thịt gà và gà tây.

Trên thực tế, có một mối liên hệ mật thiết giữa loại cơ và các loại màu của thịt động vật. "Thịt đỏ" là loại thịt có màu đỏ trước khi nấu như thịt bò, thịt hươu và đà điểu.

"Thịt trắng" thường có màu rất nhạt trước khi nấu và bao gồm thịt gà và thịt lợn. "Thịt đen" thường liên hệ với phần thịt đen hơn và có hàm lượng chất béo cao hơn ở loài động vật thịt trắng (như phần cánh và đùi gà). Thịt thỏ cũng được coi là "thịt đen".

Yếu tố chính xác định xem thịt động vật là thịt trắng hay thịt đỏ là cơ của chúng thuộc loại cơ co nhanh hay cơ co chậm. Cơ co chậm thường được sử dụng nhiều trong các hoạt động kéo dài như đi bộ, đứng hoặc bay. Nó chứa rất nhiều myoglobin – loại protein dự trữ một lượng lớn oxy để hỗ trợ các hoạt động mang tính chất lâu bền.

Cũng giống như bò, đà điểu dành phần lớn thời gian để đứng và đi bộ. Ngay cả phần cánh của chúng cũng hoạt động tương đối thường xuyên do đóng vai trò như "bánh lái". Cơ của đà điểu chủ yếu là cơ co chậm nên thịt của chúng có màu đỏ.

Mặt khác, gà và gà tây không sử dụng cơ nhiều như đà điểu. Hầu hết khối lượng cơ của chúng là loại cơ co nhanh được sử dụng cho các hoạt động như nhảy nhanh. Cơ co nhanh không chứa nhiều myoglobin mà chủ yếu sử dụng glycogen nhạt màu. Vậy nên những loài động vật thuộc loại cơ co nhanh có thịt màu trắng nhạt.

Mặc dù vậy, vẫn tồn tại một ngoại lệ thú vị đó là "thịt đen" ở gia cầm. Các phần cơ thể hoạt động nhiều như chân (do gà đi lại thường xuyên) chứa nhiều myoglobin hơn phần ức của chúng. Chính vì vậy, thịt ở chân gà được xếp vào loại thịt đen chứ không phải thịt trắng như những bộ phận khác.

Ngoài lề: Có phải khi sợ hãi đà điểu thường giấu đầu vào trong cát?

Trên thực tế, chúng không thực sự giấu đầu xuống cát khi gặp nguy hiểm và đây chỉ là một sự hiểu lầm khiến đà điểu chịu tiếng oan mà thôi! Với tốc độ chạy tương đối nhanh, chúng có thể thoát khỏi sự săn lùng của kẻ thù thay vì chỉ đứng yên một chỗ.

Trong trường hợp không thể chạy thoát, chúng sẽ áp sát cổ xuống mặt đất và cuộn mình thành một khối để lợi dụng màu lông tối của mình để ngụy trang giống khối đá hoặc bụi cây.

Theo Vnreview

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ