Tại sao quân đội muốn lật đổ Recep Erdogan?

GD&TĐ - Một đêm bạo lực và hỗn loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc. Gần 200 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, hơn 2.800 binh sĩ bị bắt, chính quyền của Tổng thống Erdogan đã kiểm soát được tình hình đất nước. 

Tại sao quân đội muốn lật đổ Recep Erdogan?

Cuộc đảo chính thất bại, nhưng theo các nhà phân tích, nó đã phơi bày thực trạng bất ổn của chính quyền Erdogan.

Cuộc đảo chính đẫm máu

Đêm 15/7, xe tăng và binh lính Thổ Nhĩ Kỳ tràn ra đường phố Istanbul và thủ đô Ankara, chiếm lĩnh những vị trí quan trọng, trong đó có cây cầu bắc qua eo biển Bosphorus, nối liền hai lục địa Á - Âu và đài Truyền hình quốc gia TRT. “Hội đồng Hòa bình quốc gia” tuyên bố thiết quân luật và “khôi phục trật tự hiến pháp, dân chủ, nhân quyền tự do và nền pháp trị”.

Tuy nhiên, cuộc đảo chính đã nhanh chóng thất bại bởi người dân tràn ra đường phố, quây lấy xe tăng, binh lính không cho họ hành động.

Quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Umit Dandar cho rằng, kẻ chủ mưu của cuộc đảo chính là một bộ phận không quân và quân cảnh Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay từ đầu, Bộ chỉ huy tối cao của quân đội đã không ủng hộ cuộc đảo chính.

Theo Erdogan, những người ủng hộ nhà văn, giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong ở Pennsylvania (Mỹ) đã khởi xướng cuộc đảo chính. Erdogan kêu gọi Mỹ nhanh chóng dẫn độ Fethullah Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ giả thuyết này. Họ đặt câu hỏi: Cuộc đảo chính sẽ mang lại cho Gulen lợi lộc gì? Trong khi chính Gulen lại lên án cuộc đảo chính ở ngay trên quê hương mình.

Lý giải nguyên nhân

Trong những năm gần đây, Erdogan thường xuyên bị cáo buộc dùng bạo lực với các nhà báo và phe đối lập, tạo điều kiện để phe cánh hẩu làm giàu bất chính, tài trợ cho các nhóm cực quyền và phá hoại mô hình nhà nước thế tục, hướng đến phục hưng đế chế.

Erdogan theo đuổi chính sách củng cố chế độ độc tài; gây chia rẽ nghiêm trọng giữa các nhóm sắc tộc và địa phương; thanh lọc quân đội để nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối của mình.

Cuộc đảo chính gần đây nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra cách đây 36 năm. Và không phải ngẫu nhiên mà có tin đồn rằng vào tháng 4 vừa rồi các tướng lĩnh quân sự chuẩn bị cho một cuộc đảo chính. Theo bình luận viên chính trị Nga Maxim Yusin thì có 4 nguyên nhân dẫn đến đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ nhất, quân đội được coi là người bảo lãnh cho bản chất thế tục của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Hồi giáo hiện tại. Tuy nhiên, trong một thời gian dài dường như Tổng thống Erdogan theo đuổi các chính sách lấn lướt, đè bẹp sự kháng cự của các tướng lĩnh, buộc họ phải chấp nhận từ bỏ những nguyên tắc thế tục của Kemal Ataturk trước “đội quân thứ năm” trong lực lượng vũ trang, “làm cỏ” đội ngũ sĩ quan với quy mô lớn. Nhưng té ra mọi chuyện không hẳn là như vậy.

Thứ hai, từ quan điểm của nhiều công dân Thổ Nhĩ Kỳ và một phần lớn giới tinh hoa của họ, ông Erdogan phải chịu trách nhiệm về bất ổn của tình hình chính trị trong nước.

Bằng chứng là xã hội chia rẽ qua các cuộc biểu tình năm 2013. Trong khi đó, chính quyền liên tục từ chối lắng nghe phe đối lập và thực hiện các chính sách xã hội chỉ nhằm mục đích đối phó với cử tri.

Thứ ba, Tổng thống Erdogan đã nối lại cuộc nội chiến ở Kurdistan. Hành động của Erdogan được nhiều chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đánh giá là làm mất đi những nỗ lực lâu dài trên con đường đối thoại hòa bình. Kết quả là giờ đây đất nước luôn trong tình trạng chiến tranh.

Thứ tư, trong chính sách đối ngoại, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã làm hỏng tất cả các mối quan hệ với những đối tác then chốt nhất trên thế giới cũng như trong khu vực như EU, Nga hay Đức, Azerbaijan…

Tất cả những điều đó đã đẩy các đối thủ của Tổng thống Erdogan đến một hành động quyết định. Một nhóm các nhà quân sự cảm thấy đã đến lúc phải cứu đất nước khỏi một con người mà những chính sách của ông ấy đã gây chia rẽ, thậm chí dẫn đến sụp đổ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ