"Rất nhiều con vật, đặc biệt là những loài chuyên kiếm ăn về đêm, thường có bề mặt phản chiếu nằm ngay phía sau võng mạc," tiến sĩ Cynthia Powell, bác sĩ thú y chuyên khoa mắt tại Đại học bang Colorado, cho biết. Lớp gương phản quang này còn được gọi là Tapetum lucidum, giúp động vật nhìn tốt hơn trong đêm tối.
Khi ánh sáng đi vào trong mắt, chúng phải tìm được một tế bào cảm quang để truyền thông tin đó đến não, tiến sĩ Powell giải thích. Nhưng đôi khi ánh sáng không nhận diện được tế bào cảm quang, vì thế Tapetum lucidum sẽ hoạt động như một tấm gương phản xạ, giúp cho ánh sáng có thể nhận diện lại lần hai.
Màu mắt các loài động vật khi phát sáng dưới ánh đèn thường không giống nhau.
Rất nhiều động vật có lớp gương Tapetum lucidum như hươu, chó, mèo, trâu, bò, ngựa và chồn. Con người, các loài linh trưởng, sóc, chuột túi và lợn đều không có hoạt chất này.
Một điểm thú vị nữa, mắt các loài động vật khi phát sáng đều khác nhau, không cùng chung một màu mắt. Theo tiến sĩ Powell, sở dĩ như vậy là do những chất khác nhau như riboflavin hoặc kẽm có trong mỗi Tapetum của động vật.
Ngoài ra, những sắc tố nằm trên võng mạc, tuổi tác cùng một số yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng tới màu mắt, ví dụ như cùng một giống chó nhưng màu mắt khi phát sáng có thể hoàn toàn khác nhau.
Mắt mèo thường phát sáng màu xanh lá cây, trong khi đó mắt mèo xiêm lại có màu vàng rực rỡ khi phát sáng. Và lớp gương Tapetum lucidum ở mèo cũng thường nhiều hơn chó, tiến sỹ Powell cho biết thêm.