Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra vậy? Nhiều người hỏi như vậy. Và đây là câu trả lời: Một ngày trước đó, nam thanh niên này đã đăng 1 bức ảnh của mình lên Facebook kèm một dòng status: Đủ 40.000 like (lượt thích) sẽ đổ xăng tự đốt người rồi nhảy cầu. Tức là, thanh niên này sẵn sàng đốt, sẵn sàng nhảy, sẵn sàng hành động nếu yêu cầu về số like của mình được đáp ứng.
Ngược lại, cư dân mạng vì tò mò với cảnh một người sẵn sàng đốt, sẵn sàng nhảy nên chỉ lướt qua dòng trạng thái này cũng đã sẵn sàng like. Kết quả là không chỉ đạt 40.000 lượt like như kế hoạch, nam thanh niên này đã nhận được tới 93.000 lượt like.
Một con số lớn ngoài sức tưởng tượng. Một con số khiến mình không thể không thỏa mãn. Và thế là "người cuồng like" đã làm điều mình nói.
Nhưng trên Facebook, kể cả ở Việt Nam lẫn ở nhiều nước khác, đây chẳng phải là một câu chuyện hiếm hoi. Đã từng xuất hiện cả một phong trào mang tên: "Đủ like là làm". Có nghĩa, nếu có đủ một số lượng like như mình mong muốn là người ta sẵn sàng làm những điều bất thường, khác thường, lạ thường gì đó.
Thế mới biết trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội thì "số like" có ý nghĩa và sức hấp dẫn ghê gớm như thế nào.
Nếu những ví dụ này có vẻ xa vời quá thì bạn có thể kiểm chứng lại những biểu hiện tâm lý của chính cá nhân mình. Khi đăng một bức ảnh của mình lên mạng xã hội, điều bạn chờ đợi nhất là gì? Chắc chắn là bạn chờ đợi bức ảnh được nhiều like, nhiều share (chức năng chia sẻ), nhiều comment (chức năng bình luận), vì càng nhiều thì nó càng chứng tỏ sự tương tác của bạn với cộng động mạng càng cao.
Mà tâm lý con người, ai cũng muốn mình có một độ tương tác cao - một tầm ảnh hưởng lớn đặt trong mối quan hệ với cộng đồng xung quanh. Thế nên thời đại này mới có những câu nói nghe rất vui, rất thật mà cũng rất trớ trêu: "Đã khuya rồi vẫn ngồi... đếm like".
Câu này được "chế" từ câu hát nguyên bản rất nổi tiếng của nhạc sĩ Minh Khang: "Đã khuya rồi vẫn ngồi đếm sao". Đặt câu thật và câu "chế" cạnh nhau người ta chợt cắc cớ: Vậy thì "đếm like" và "đếm sao" có khác biệt nào đáng kể? "Đếm sao" là nhìn lên bầu trời, còn "đếm like" là chúi mặt vào màn hình máy tính. "Đếm sao" là ngửa mặt lên, "đếm like" là cúi mặt xuống.
"Đếm sao" có thể gợi lên những khắc khoải đầy tự sự, mơ mộng trong lòng người, còn "đếm like" thường gợi lên những khát vọng về số lượng và sở hữu. Khi thực hiện hành vi "đếm like" chắc chắn người ta mong muốn mình sở hữu được thật nhiều like, từ đó khiến những dòng trạng thái và status của mình có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng.
Vậy thì để có nhiều like có khó không? Đã có những nghiên cứu ở cả góc độ truyền thông lẫn góc độ tâm lý chỉ ra 2 con đường câu like. Một, là đánh vào tâm lý tò mò, thích sự mới lạ, giật gân của cộng đồng. Hai là đánh vào sự bức xúc vốn có trong lòng cộng động.
Không cần chính đạo, không cần quá logic và lý trí, chỉ cần đánh trúng một trong hai tâm lý này, người ta có thể dễ dàng trở thành những người có tầm ảnh hưởng trên Facebook.
Ở chỗ này, những người sử dụng Facebook thiện nghệ có những phẩm chất khá giống với những nhà chính trị dân túy. Họ tỏ vẻ đứng về phía đám đông, luôn nói/viết những điều khiến đám đông hả hê và sẵn sàng dùng đủ mọi thủ thuật thuộc dạng ngụy ngôn uyển ngữ để công kích những đối thủ/những chủ thể mà đám đông thấy cần phải công kích.
Tất nhiên, có những trường hợp đám đông đúng nhưng cũng có không ít trường hợp đám đông... việt vị. Nhưng với những nhà "dân túy Facebook" thì đúng/sai - việt vị hay không cũng không phải là quan tâm số 1. Quan tâm số 1 của họ là đánh vào cảm xúc đám đông, và kích thích/lối kéo để đám đông sẵn sàng like cho mình.
Bạn có thể làm một nghiên cứu nhỏ về điều này trên chính Facebook cá nhân bạn, đó là hãy thử lướt một vòng Facebook và trả lời xem đâu là những Facebook nhiều like nhất? Bạn đừng bất ngờ khi nhận ra đấy là những Facebook mang tính chỉ trích, phê phán, thậm chí là chửi bới nhiều nhất.
Bạn đừng bất ngờ khi có những Facebook mà ở đó cảm giác như cái gì người ta cũng chửi được. Chửi cả cái đáng chửi lẫn cái không đáng chửi. Có lý do cũng chửi, không có lý do thì cũng tự "vẽ" ra lý do mà chửi. Bởi đơn giản, chửi là để câu like. Ngược lại, những Facebook mang màu sắc điềm đạm, lý trí thường là những Facebook "đói" like.
Ông Sean Parker, đồng sáng lập Facebook đã rời bỏ công ty, từng nhiều lần chỉ trích nút like vì nhận ra đó là thứ kích thích rất nhiều thứ tâm lý lệch lạc bên trong con người. Mà không chỉ cá nhân Sean Parker, cũng vì cái nút like này mà rất nhiều cựu nhân viên Facebook, Google đã công khai bày tỏ sự hối tiếc về những sản phẩm do chính mình góp phần tạo nên.
Theo nghiên cứu mới đây của Hiệp hội Sức khỏe công cộng Hoàng gia Vương quốc Anh (RSHP) cùng với "những nội dung khó chịu" thì chính nút like lại là tính năng độc hại nhất trên mạng xã hội.
Tại sao thế? Tại vì nút like góp phần tạo ra sự chia cách giữa con người. Nó tạo cho người ta ảo tưởng rằng "người nhiều like" là người quyền lực, từ đó thúc đẩy người ta làm tất cả mọi cách/mọi thủ đoạn để... câu like, chứ không thúc đẩy việc tạo ra những sản phẩm nội dung thực sự có chất lượng.
Nhận ra những hiểm hoạ trên đây mà hàng loạt mạng xã hội đang tính đến hoặc đã thử nghiệm một ứng dựng mới mà ở đó số lượng like bị ẩn đi hoàn toàn.
Tháng 3 năm nay Twitter lần đầu tiên công bố phiên bản mẫu của ứng dụng này. Đến tháng 8 Instagram cũng thử nghiệm tương tự. Còn đây là phát biểu của Mark Zuckerberg: "Chúng tôi muốn người dùng bớt quan tâm đến việc mỗi bài viết họ đăng được bao nhiêu like và tập trung vào việc kết nối với người khác hơn".
Ý sâu xa của Mark Zuckerberg là: Phải quan tâm nhiều hơn tới việc tạo ra những giá trị nội dung thực sự chất lượng. Những nhà quản lý Facebook cho biết họ cũng đang thử nghiệm một ứng dụng không còn công khai số lượng like như hiện tại. Lập tức, hàng loạt các tờ báo phương Tây đặt ra câu hỏi: vậy thì sẽ sớm có một ngày mà người dùng Facebook không còn... đếm like?
Sẽ sớm có một ngày mà giá trị thực sự của con người được đo/đếm/quyết định bằng chất lượng nội dung/tri thức đích thực, chứ không phải bằng những cái like đầy cảm tính và mang nặng hội chứng đám đông?
Sẽ sớm có một ngày như vậy chăng?
Khó! Cực khó! Bởi việc công khai số lượng like cho mọi người cùng xem vẫn rất quan trọng, vì nó là một biểu hiện cho thấy “quyền lực Facebook” lớn như thế nào. Và từ đó, hút mọi người vào Facebook nhiều hơn. Ví dụ những thuật toán chỉ ra đâu là xu thế nội dung đang được quan tâm nhiều nhất, giúp Facebook biết phải ưu tiên hiển thị những nội dung nào trước.
Có nghĩa là số lượng like là một trong những chìa khóa vận hành của Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung. Do vậy nếu quả nhiên có một người mà số lượng like được/bị ẩn đi thì chất lượng vận hành, khả năng đánh giá các tệp khách hàng và hiệu quả kinh doanh của các mạng xã hội sẽ giảm đi rất nhiều.
Thế nên người ta nghi ngờ rằng những gì mà ông chủ các các mạng xã hội đình đám vừa đề cập chẳng qua cũng chỉ là những phát ngôn mang tính "mị dân", trong một bối cảnh mà mặt trái của mạng xã hội trong việc tạo ra những tác động tâm lý tiêu cực cho con người, đang được quan tâm hơn bao giờ hết.
Suy cho cùng, bên cạnh sự chờ đợi (đầy viển vông) về việc các nhà mạng sẽ ẩn đi số lượng like thì bản thân mỗi người dùng mạng phải tự trau dồi tri thức để có thể ứng xử một cách độc lập, bản lĩnh với nút like, thay vì để nó cuốn mình đi một cách dễ dàng. Tham gia cuộc chơi này, chúng ta phải luôn thận trọng với những câu hỏi: mình sẽ like cái gì đây? Cái like ấy có vô tình giúp ai đó câu like?
"Nếu đủ 40.000 like sẽ tự đổ xăng, đốt người rồi nhảy cầu" - hãy suy nghĩ thật kỹ ở tất cả các góc độ rồi trả lời xem, bây giờ, nếu đối diện với một status như thế, bạn có like không?