Rò rỉ nước thải ở thị trấn Church Rock
Church Rock là một thị trấn nhỏ nằm tại Navajo Nation, phía Đông Bắc New Mexico. Nơi đây từng là một địa điểm khai thác uranium chính. Có tới 20 mỏ uranium và các nhà máy chế biến địa phương bị bỏ hoang tại nơi này. Hầu hết, uranium được khai thác để sử dụng trong vũ khí hạt nhân. Mỗi pound uranium được sản xuất đi kèm với hàng ngàn pound chất thải. Sản phẩm phóng xạ phụ này thường được đổ trong các ao hồ trong khu vực.
Sáng ngày 16/7/1979, tại một nhà máy chế biến thuộc Tổng công ty hạt nhân Mỹ, một đập nước thải đã bị vỡ, khiến 94 triệu gallon nước thải ô nhiễm và 1.100 tấn chất thải phóng xạ đã đổ vào sông Puerco. 6 giờ 30 sáng hôm đó, một cư dân của thị trấn Church Rock là Robinson Kelly ra sông Puerco và nhận thấy con sông vốn đang mùa cạn kiệt bỗng tràn đầy một thứ nước màu vàng, “có mùi hôi thối chưa từng thấy”, theo miêu tả của Kelly.
Lượng nước xuất phát từ con đập có độ pH bằng 2 và chứa đầy chất phóng xạ uranim, radium, thorium, polonium và các kim loại khác lắng đọng trong lòng sông. Đến trưa, mực nước đã rút, đủ để mọi người có thể lội qua đưa đàn gia súc được chăn thả bên kia sông về. Những người lội qua sông đều bị lở loét ở chân. Ngay sau khi con đập được sửa chữa, con sông bị nhiễm phóng xạ cao hơn 6.000 lần mức có thể chấp nhận được.
Hội đồng bộ lạc Navajo đã yêu cầu thị trấn Church Rock tuyên bố khu vực thảm họa, nhưng bị từ chối. Một số chất phóng xạ trong nước thải phát bức xạ alpha và gây ung thư. Tất nhiên, tình trạng nhiễm xạ ở nơi này còn tồn tại rất lâu, bởi một số chất phóng xạ, như thorium – 230 chẳng hạn, có chu kỳ bán phân rã lên tới 80 năm.
Tai nạn thử bom Baneberry
Baneberry là một trái bom hạt nhân 10 kiloton, được kích hoạt ở độ cao 270m dưới mặt đất tại Yucca Flat, một phần của điểm thử hạt nhân Nevada vào ngày 18/12/1970. Từ năm 1963, các vụ thử hạt nhân đã phải tuân theo các tiêu chuẩn, theo kết quả của Hiệp định cấm thử nghiệm hạt nhân, bởi các thử nghiệm này thường nguy hiểm hơn nhiều so với vẻ bề ngoài là những cột khói hình nấm thời những năm 1950. Mặc dù vậy, một tuần trước Giáng sinh năm 1970, hoạt động địa chất tại nơi này đã giáng cho các nhà khoa học một đòn chí mạng.
Việc kích hoạt Baneberry vào lúc 7 giờ 30 sáng hôm đó dường như rất bình thường. Tuy nhiên, 3 phút sau, một khe nứt xuất hiện ở độ sâu 90m trong lòng đất ngay tại điểm chôn trái bom, khiến bụi phóng xạ và khí gas phun lên bầu trời. Hiện tượng này tiếp diễn, ngay cả sau khi mặt đất phía trên vụ nổ sụp xuống (sự sụp mặt đất là bình thường đối với các vụ nổ ngầm dưới đất). Khí gas tiếp tục phun lên trong 24 giờ sau đó.
Khói từ điểm thử nghiệm có thể nhìn thấy được từ Las Vegas – một điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm. Bụi phóng xạ đạt đên độ cao 3.000m và bị phát tán ra các khu vực lân cận. 86 người có mặt tại hiện trường thử nghiệm đều bị nhiễm xạ, 2 trong số đó chết vì ung thư máu 4 năm sau đó.
Tai nạn Baneberry khiến việc thử nghiệm bom hạt nhân tại Nevada bị đình chỉ trong suốt 6 tháng sau đó. Kết quả điều tra cho thấy, tại khu vực đặt trái bom, mặt đất có hàm lượng nước cao bất thường, gây hiện tượng nứt đất khiến phóng xạ rò rỉ nghiêm trọng.
(Còn tiếp)