Tái diễn tình trạng khai thác nghêu giống trái phép ở Cà Mau

GD&TĐ - Tại khu vực ven biển Trương Phi, thuộc xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) đang xuất hiện nhiều phương tiện khai thác nghêu giống trái phép.

Người dân sử dụng xuồng máy ra biển khai thác nghêu giống.
Người dân sử dụng xuồng máy ra biển khai thác nghêu giống.

Ngày 28/5, thông tin từ Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (VQG), tại khu vực ven biển Trương Phi, thuộc xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) bắt đầu vào vụ nghêu sinh sản.

Tuy nhiên, khu vực này xuất hiện nhiều phương tiện khai thác nghêu giống xâm phạm khu vực quản lý nghêu giống của đơn vị.

Mỗi ngày khu vực ven biển Trương Phi có từ 40 đến 60 phương tiện khai thác nghêu giống, trong đó có nhiều phương tiện dùng cơ giới để hút cát, khai thác nghêu giống làm ảnh hưởng đến môi trường, nguồn lợi thủy sản.

Hiện VQG Mũi Cà Mau đã và đang cùng UBND xã Đất Mũi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sinh sống trên địa bàn không được khai thác nghêu giống trong phạm vi quản lý của VQG Mũi Cà Mau.

Mùa nghêu giống ở Cà Mau xuất hiện khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 Âm lịch.

Mùa nghêu giống ở Cà Mau xuất hiện khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 Âm lịch.

Khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 Âm lịch là mùa nghêu giống sinh sản. Đây là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, người dân địa phương luôn xem bãi nghêu là nơi để mưu sinh.

Đa phần người khai thác nghêu giống là người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương. Họ dùng phương tiện vỏ máy chạy ra bãi nghêu, sau đó khai thác bằng phương thức thủ công, tức dùng vợt lưới để kéo, rồi lọc lấy nghêu giống lẫn trong cát đem về vèo lại một thời gian ngắn mới đem bán cho người nuôi nghêu thương phẩm.

Trung bình mỗi ngày người cào nghêu giống có thể thu hoạch vài trăm nghìn đồng, người may mắn có thể thu hoạch cả triệu đồng.

Cách đây vài năm, bãi nghêu Đất Mũi cũng đã một lần chịu sự tàn phá nặng nề của chính những người dân tại địa phương vì tranh giành nguồn nghêu giống, gây mất an ninh trật tự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ