Tái cấu trúc hệ thống các trường ĐH, CĐ: Yêu cầu cấp bách!

GD&TĐ - Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, kể cả công lập và ngoài công lập được Bộ GD&ĐT xem là giải pháp căn cơ, lâu dài để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. 

Tái cấu trúc hệ thống các trường ĐH, CĐ: Yêu cầu cấp bách!

Ở cả khu vực tư và công đều đang có những giải pháp để cơ cấu lại. Tuy nhiên, việc giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường ĐH có uy tín, thậm chí là chuyển đổi bậc đào tạo cũng chỉ giúp các trường vượt lên nếu gắn liền với mục tiêu cải thiện điều kiện và chất lượng đào tạo.

Chuyển đổi loại hình đào tạo

Để giải quyết căn cơ tình trạng căng thẳng về quỹ đất dành cho giáo dục, đầu năm học 2016 – 2017 này, ngành GD&ĐT Đà Nẵng mời các trường TCCN, CĐ khó tuyển sinh trong những năm vừa qua và cả các trường THPT tư thục trên địa bàn hiện có số lượng phòng ốc dôi dư chuyển đổi thành trường cấp 1 - 2 - 3.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết: “Đến thời điểm này, đã có 5 cơ sở giáo dục, trong đó có cả trường CĐ công lập, CĐ tư thục, trường TCCN và một trường THPT đang xây dựng đề án chuyển đổi. Sở GD&ĐT hỗ trợ hướng dẫn các trường về xây dựng đề án cũng như các thủ tục pháp lý.

Đây đều là những trường thiếu nguồn trong công tác tuyển sinh. Cơ sở vật chất của các trường này, khi chuyển đổi sang trường cấp 1 - 2 – 3 thì chỉ cần sửa chữa nhỏ.

Trong điều kiện các trường CĐ, TCCN đang rất khó khăn về nguồn tuyển trong khi các bậc học dưới như mầm non, tiểu học của thành phố đang phát triển nóng thì sự chuyển đổi này là cần thiết.

Nó vừa tận dụng được cơ sở vật chất trường lớp, vừa là cách để “giữ” đất cho giáo dục, tránh việc chuyển đổi mục đích sử dụng vì đây đều là những trường nằm ở vị trí đẹp”.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, khi các trường này thực hiện xong các thủ tục chuyển đổi loại hình hoạt động, Sở GD&ĐT sẽ tạo điều kiện cho các trường linh hoạt trong công tác tuyển sinh. Cụ thể là sẽ không khống chế chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.

“Việc tận dụng CSVC của các trường CĐ, TCCN hiện có trên địa bàn và thúc đẩy để sớm xây dựng trường học đối với quỹ đất quy hoạch dành cho GD&ĐT sẽ giúp ngành Giáo dục Đà Nẵng giải quyết căng thẳng về trường lớp” – Ông Vĩnh nhấn mạnh.

Mới đây nhất, UBND TPHCM vừa có công văn gửi Bộ Tài chính về chủ trương hợp nhất hai trường CĐ và ĐH trực thuộc Bộ này. Theo đó, UBND TPHCM ủng hộ chủ trương của Bộ Tài chính về việc hợp nhất trường CĐ Tài chính – Hải quan và Trường ĐH Tài chính – Marketing thành Trường ĐH Tài chính – Marketing.

Việc hợp nhất hai trường này là nhằm “nâng cao chất lượng đào tạo và đa dạng hóa hình thức đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn hội nhập quốc tế cũng như tăng cường việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị về tổ chức bộ máy, tài chính, đầu tư, đào tạo”.

Tại Hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng Giáo dục Đại học được Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 1/2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ phải rà soát lại toàn bộ các trường ĐH, đánh giá thật về các trường, nhất là các trường ngoài công lập.

Cần phải “bắt mạch” để xem “bệnh”, nếu “bệnh” có thể chữa trị được thì sẽ cố gắng chữa đến cùng. Còn nếu không thể chữa được nữa thì phải để họ thoái vốn chứ không nên cố gắng kéo dài trong vô ích.

“Nếu trường nào không đạt chuẩn, không đảm bảo thì phải can đảm để chính thức khai tử, không thể để kéo dài tình trạng tiền lâm sàng mãi được” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sắp xếp, tổ chức lại khoa, trường để tránh trùng lắp

Còn nhớ, trong một buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XI với Ban Giám đốc ĐH Đà Nẵng, GS Đào Trọng Thi đã nêu vấn đề:

Cùng trong một ĐH Đà Nẵng, các cơ sở giáo dục thành viên như ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, Trường CĐ Công nghệ thông tin, Trường CĐ Công nghệ đều tổ chức đào tạo nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin, vậy có gì khác biệt giữa các khoa ở các cơ sở đào tạo này không?

Khoảng 2 năm trở lại đây, ĐH Đà Nẵng đã xây dựng đề án tái cấu trúc lại ĐH Đà Nẵng, tổ chức, sắp xếp lại các khoa, trường thành 2 trường ĐH mới và đầu tư thành lập trường ĐH Việt – Anh thành trường ĐH công lập đẳng cấp quốc tế.

Theo GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, thì đây không phải là thành lập 3 trường ĐH mới. Trong đó, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật sẽ dựa trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các khoa Sư phạm kỹ thuật của trường ĐH Bách khoa và trường CĐ Công nghệ; trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông thành lập trên cơ sở các khoa CNTT của ĐH Bách khoa, ngành CNTT của ĐH Sư phạm, Tin học của ĐH Kinh tế và trường CĐ Công nghệ thông tin.

Riêng trường ĐH Việt – Anh sẽ không đầu tư xây dựng một trường ĐH mới như Trường ĐH Việt – Đức, Trường ĐH Việt – Pháp mà sẽ dựa trên cơ sở khai thác tối đa nguồn lực hiện có của ĐH Đà Nẵng.

“Cụ thể, sẽ chọn một số khoa công nghệ, mũi nhọn của ĐH Đà Nẵng để đầu tư chiều sâu, làm nòng cốt cho sự hình thành trường ĐH Việt – Anh như là một đơn vị tiên phong có tính hội nhập quốc tế cao nhất trong toàn ĐH Đà Nẵng” – GS Trần Văn Nam cho biết.

Theo GS.TS Trần Văn Nam, việc thành lập 3 trường ĐH gồm ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông, ĐH Việt – Anh là cần thiết.

“Hiện tại, khu vực miền Trung vẫn chưa có trường sư phạm kỹ thuật nào để đáp ứng nhu cầu của SV. Bên cạnh đó, ngành CNTT và truyền thông ngày càng phát triển nhưng ĐH Đà Nẵng cũng chỉ mới có trường CĐ, trong khi đó, ngành CNTT ở các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng cũng đã có đủ CSVC, nhân lực để đào tạo các hệ ĐH, sau ĐH.

Từ tình trạng một số trường được xem là tốp đầu, vẫn tuyển thiếu so với chỉ tiêu tuyển sinh ở năm 2016, PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng - nhận xét rằng vấn đề vào ĐH đã được xem là một cách đầu tư cho tương lai.

Nếu đầu tư không đảm bảo thì phụ huynh và người học sẽ chọn con đường khác, như học nghề, học cao đẳng chứ không nhất thiết phải vào ĐH.

Trong điều kiện các cơ sở giáo dục đại học, không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập, đều cạnh tranh bình đẳng trong tuyển sinh thì việc không ngừng phải cải thiện điều kiện đào tạo, cập nhật nội dung, thay đổi phương thức đào tạo và thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo mới có thể tạo dựng được uy tín lâu dài với người học và xã hội

Trong buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác chính phủ với ĐH Đà Nẵng mới đây, Thủ tướng đã đồng ý về mặt chủ trương về việc tái cấu trúc, tổ chức sắp xếp lại các khoa, trường của ĐH Đà Nẵng.                                                                                                                                                                              Theo đó, việc thành lập ĐH mới trên cơ sở sắp xếp lại các cơ sở giáo dục thành viên phải đảm bảo chất lượng, xứng tầm; ĐH Đà Nẵng cần tận dụng những điều kiện trang thiết bị cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ chuyên môn đã có sẵn để việc thành lập đại học thành viên mới vừa tiết kiệm ngân sách vừa góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.                                                                                                                                                                                                Các trường ĐH thành lập mới cũng phải đảm bảo chất lượng tuyển sinh, đào tạo cũng như thực hiện tốt khâu kiểm định chất lượng, chú trọng đến đầu ra của sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ