Phát triển chương trình, SGK – Kinh nghiệm Hàn Quốc, vận dụng ở Việt Nam

Phát triển chương trình, SGK – Kinh nghiệm Hàn Quốc, vận dụng ở Việt Nam

(GD&TĐ) - Ngày 28/9, Bộ phận thường trực Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK trực thuộc Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo “Phát triển chương trình, SGK phổ thông – Kinh nghiệm của Hàn Quốc và vận dụng vào Việt Nam. 

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Mặc dù đã có những đổi mới song chương trình, sách giáo khoa hiện nay thiếu tính hệ thống, liên thông giữa các cấp học, thiên về trang bị kiến thức mà chưa chú trọng đúng mức đến việc rèn luyện tư duy sáng tạo, năng lực tự học, nhất là giáo dục kĩ năng sống và đạo đức cho học sinh.

Bởi vậy việc biên soạn một bộ SGK mới cho các cấp học là vấn đề cấp thiết trong thời gian tới. Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước đã chia sẻ những kinh nghiệm về vấn đề xây dựng chương trình giáo dục mới đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội phù hợp với các đối tượng HS.

GS Jeong Ryel Kim (Trường ĐH Quốc gia Hàn Quốc) cho biết: Để xây dựng được kế hoạch hay đánh giá một chương trình giáo dục và một khóa học thì phải trả lới 4 câu hỏi: Mục tiêu giáo dục cần đạt ở trường học là gì? Sau khi đã đề ra mục tiêu giáo dục cần lựa chọn phương pháp giáo dục thế nào cho phù hợp? Có thể làm gì để phát huy một cách hiệu quả phương pháp giáo dục đã được lựa chọn? Làm thế nào để đánh giá mức độ thành công của mục tiêu giáo dục?

Vì vậy đổi mới chương trình giáo dục cần phải thay đổi cách tiếp cận chương trình. Đặc biệt phải thu nhận được ý kiến từ các GV, HS và từ các địa phương để xây dựng ý tưởng đổi mới.

TS. Chae Yeong Ko - Trưởng phòng Phát triển chương trình Sở Giáo dục tỉnh Gyeonggi - chia sẻ: Chương trình giáo dục mới phải đáp ứng nhu cầu của HS, GV và phụ huynh. Vì vậy chúng tôi đã tái cấu trúc lại chương trình để phù hợp với tình hình địa phương tuân theo định hướng của Bộ GD&ĐT dựa trên cả sự phân tích đóng góp của GV và HS…

Để có thể hội nhập và phát triển cùng thế giới thì việc cho ra đời sách điện tử cũng góp phần đáp ứng sự đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông – GS TS Vũ Văn Hùng (NXB Giáo dục Việt Nam) đã chia sẻ về những ưu việt và đặc biệt là tính tương tác đa phương tiện của sách điện tử.

Tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ THPT Đoàn Văn Ninh, Ban thường trực chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhấn mạnh: Hội thảo đã nhận được sự chia sẻ những kinh nghiệm của các chuyên gia giáo dục từ phía Hàn Quốc về vấn đề xây dựng chương trình giáo dục xuyên quốc gia của nước bạn.

Trong thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai để có thể đưa ra được chương trình giáo dục mới phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu quốc tế về các chương trình phát triển giáo dục các cấp ở phổ thông; Song song với đó chúng ta phải đào tạo đội ngũ GV để nâng cao năng lực, đáp ứng với yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa.

Minh Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ