Một vị chức sắc khá cao giải nghĩa địa danh “Mèo Vạc” là “Mèo Vương, nơi có vua Mèo…”.
Kỳ lạ! Thảo nào mà người ta cứ viết, rồi đóng con triện đỏ chót thành “Si Ma Cai”, “Đà Lạt”, “Ngải Thầu”, “Bát Xát”. Hay như “người Hmông” thì cứ viết là “người Mông”. Cứ viết theo Đảng, Nhà nước, Chính phủ là đúng! Có người còn suy diễn ra: “Si Ma Cai tức Sí Ma Cái, tức bãi phân ngựa cái”; “Phan Si Păng là tên một chiến sĩ công an vũ trang tên là Phan Sĩ Bằng”. Và có người còn viết “Dân tộc Mèo và dân tộc Hmông, dân tộc Dao và dân tộc Mán”, vân vân và vân vân. Đó chỉ là ví dụ về địa danh.
Nếu coi văn học là một bộ phận tinh túy nhất của văn hóa, thì mỗi tác phẩm cần phải đạt tới sự chuẩn mực không những chỉ ngôn từ, nội dung và cả chính tả, mà phải chuẩn mực cả câu văn, hành văn, hình ảnh.
Bác gái tôi, hễ bắt đầu cất giọng vào câu truyện cổ tích, thì, chao ôi, tôi bị say, bị thôi miên đắm đuối theo câu chuyện của bà, không chỉ bởi giọng kể thánh thót, véo von, lên bổng xuống trầm, mà còn bởi những ngôn từ đầy hình ảnh cổ tích, huyền thoại như những thước phim không lời thu hút cả tâm trí người nghe. Bà là người kể truyện cổ tích hay nhất thế giới mà cũng cốt truyện đó, không ai có thể kể hay như bà được.
Đó là biệt tài của bà. Tôi nhận ra, làm văn thì phải có cái biệt tài đó. Tài năng thì ai cũng có, vì cha mẹ sinh ra ta như một thiên thần, thì cha mẹ đã cho ta tài năng rồi. Đó là chỉ số IQ chung để ta hòa nhập được với xã hội loài người. Còn biệt tài, cao hơn tài năng, nó nằm ở trong nền văn hóa từ gia đình đến cộng đồng làng xóm, từ một địa vực đến cộng đồng tộc người.
Còn cao hơn nữa là thiên tài; xin không dám bàn đến. Ai cũng có tài năng, mỗi người mỗi khác, người yêu nghệ thuật, người yêu tiền, người ham quyền lực…, nhưng biệt tài thì thật hiếm hoi; biệt tài về văn học, nghệ thuật càng hiếm. Như bác gái tôi, là một biệt tài kể chuyện cổ tích. Trong xóm ngoài làng, cũng một cốt truyện thôi, nhưng chỉ bác tôi kể là hay nhất.
Cũng như văn học truyền miệng, văn học viết, nếu thiếu đi những yếu tố văn hóa độc đáo, đậm bản sắc, thì tác phẩm sẽ chỉ là trang viết lắm lời, khô khốc mà thôi. Thế nên văn hóa là hồn của văn học.
May thay, với vùng dân tộc thiểu số, những yếu tố độc biệt vẫn còn tồn tại phong phú mà nhà văn cần phải đi sâu tìm tòi, học hỏi để làm giàu cho trang viết của mình, làm sao để cho mỗi tác phẩm văn học, cũng như một tấm thêu tay sặc sỡ hoa văn, không chỉ chứa đựng tràn trề ngôn ngữ nghệ thuật, nó còn là bức tranh văn hóa, vừa khơi mở nét văn hóa dân tộc đặc trưng, nhưng cũng vừa khép gói nét huyền diệu, như là trò chơi “Đi trốn đi tìm” của con trẻ để tạo trí tò mò thích thú cho người đọc tiếp tục khám phá.
“Học ăn, học nói, học gói, học mở”; “ăn vóc, học hay” là vậy. Khi tứ lờ mờ xuất hiện, tôi bắt đầu tìm tên truyện, rồi tìm ý khởi đầu, tiếp đến là sắp xếp mạch văn sao cho phù hợp, và không thể quên lắp ráp những yếu tố văn hóa dân tộc độc đáo làm “mềm hóa” câu chuyện, tức là làm cho câu chuyện trở nên có hồn. Tác phẩm văn học sống được là nhờ ở đó.
Văn học chỉ có điểm xuất phát; không bao giờ có điểm kết thúc.