Thực ra việc sinh viên đánh giá về chất lượng lên lớp của giảng viên ở các nước tiên tiến người ta đã làm từ rất lâu rồi, ngay như hình thức đào tạo theo tín chỉ cũng là cách sinh viên đánh giá giảng viên. Cứ thử hỏi cùng một môn học đa số sinh viên đăng ký giảng viên A, B, trong khi đó rất ít sinh viên đăng ký lớp học của giảng viên C, việc đăng ký học đó nói lên ý kiến của sinh viên về chất lượng giảng dạy của giảng viên, giảng viên nào có chuyên môn tốt, có phương pháp giảng dạy tốt, thuyết phục và nhiệt tình thì sinh viên theo học đông và ngược lại.
Nói theo ngôn ngữ quản lý chất lượng thì sinh viên là khách hàng trực tiếp, đầu tiên của thầy giáo. Họ được thụ hưởng sự giáo dục của thầy thì họ có quyền nói lên chất lượng của hoạt động đó. Tuy nhiên, với quan niệm Tôn sư trọng đạo và “Thầy luôn luôn đúng”, với lễ giáo phương Đông, chúng ta luôn coi những người đi học từ học sinh phổ thông đến sinh viên đại học là những người không đủ trình độ, không đủ nhận thức để đánh giá, nhận xét thầy, vì vậy khó khăn lớn nhất vẫn là tập quán, vì nếp suy nghĩ cũ đã ăn sâu vào tiềm thức người dân - người thầy được mọi người trong xã hội tôn kính.
Từ năm học 2009 - 2010, Bộ GD&ĐT chủ trương triển khai đồng loạt việc sinh viên đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học là một giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chắc chắn sẽ được xã hội ủng hộ, các cán bộ quản lí, phụ huynh sinh viên, các doanh nghiệp sử dụng lao động cũng như sinh viên đồng tình.
Nhưng để cho mọi người, kể cả giảng viên cũng như mọi lực lượng của xã hội không thấy mất đi nếp sống văn hóa lâu đời của cha ông ta để lại là “tôn sư trọng đạo” thì vấn đề đặt ra là dùng câu chữ thế nào cho hợp lý. Không nên dùng những từ: "trò đánh giá thầy" hay "trò cho điểm thầy", "trò nhận xét thầy" mà nên dùng những từ ngữ mềm mại hơn mà vẫn thể hiện được bản chất, mục đích của việc làm này, đồng thời không gây nên sự phản cảm trong cách nghĩ của mọi người như: "đóng góp của sinh viên về công tác giảng dạy cuả giảng viên", hoặc "lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về công tác giảng dạy của giảng viên". Điều đó tạo nên sự đồng thuận của xã hội lớn hơn.
Còn về phía giảng viên, người được đánh giá cũng không phải đã đồng tình với những lí do khác nhau: Sinh viên chưa đủ trình độ, không đủ tư cách, không khách quan khi đánh giá nhận xét giảng viên, thậm chí còn lo lắng rằng sinh viên còn nhân cơ hội này để nói xấu thầy, cảm tính, không trung thực, không phản ánh đúng với bản chất làm suy giảm lòng tin và làm mất uy tín của thầy giáo.
Với phương châm “Chất lượng đào tạo là sự sống còn của nhà trường” Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã làm mọi việc để đảm bảo chất lượng đào tạo. Mà chất lượng đào tạo phụ thuộc chủ yếu vào ba yếu tố: Cơ sở vật chất, tổ chức quản lí và chất lượng đội ngũ giảng viên. Như vậy, người thầy là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo. Do vậy, muốn chất lượng đào tạo được đảm bảo phải kiểm soát được việc làm của thầy thể hiện trong quá trình truyền đạt kiến thức, giảng dạy cho sinh viên. Có nhiều kênh để kiểm soát nội dung, phương pháp giảng dạy của thầy như thông qua đề cương, đề thi, dự giờ, thanh kiểm tra đột xuất, nhưng chưa đủ.
Sinh viên là người gần giảng viên nhất, họ thụ hưởng dịch vụ của thầy giáo và họ hoàn toàn có thể giúp nhà trường nhìn người thầy từ nhiều góc độ khác nhau, toàn diện hơn, xác thực hơn về nội dung, phương pháp truyền đạt, tác phong, thái độ ứng xử, thái độ chính trị, tinh thần trách nhiệm cũng như đạo đức của giảng viên, vậy vì sao ta lại phải né tránh những ý kiến, những nhận xét của họ.
Từ thực tế đó, chúng tôi thảo luận rất nhiều về việc này và thống nhất rằng: nếu chúng ta cho sinh viên biết rõ mục đích việc lấy ý kiến này là để phục vụ các em tốt hơn, để chất lượng đào tạo ngày càng cao hơn, để môi trường sư phạm ngày càng lành mạnh hơn cùng biện pháp triển khai hợp lý thì sẽ không có những hiện tượng xấu xảy ra. Và kết quả là sau 11 năm (Nhà trường đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của sinh viên từ năm 1999) thực hiện lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về thầy giáo, chúng tôi thấy hầu hết ý kiến của sinh viên đều đúng mực, khách quan, tôn trọng thầy, không có thái độ đả kích, hạ uy tín thầy cô. Chính việc làm này đã tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng và sinh viên thấy mình được tôn trọng, được lắng nghe.
Để triển khai việc này chúng tôi cân nhắc rất kỹ. Thực tế muốn một người sửa những thiếu sót của mình để tiến bộ, để làm việc tốt hơn, nhất là công việc của người đó là giảng dạy, lên lớp cho sinh viên thì có nên đem thầy ra cho công luận phê phán rồi yêu cầu thầy sửa chữa hay không. Chắc chắn là không thể làm như vậy được dù đấy là lỗi lớn hay nhỏ. Vì vậy, ở trường chúng tôi, phiếu đánh giá giảng viên các môn theo thang điểm cụ thể, sau khi gửi tới sinh viên các ý kiến này được tập hợp lại ngay và gửi trực tiếp cho Hiệu trưởng và chỉ có Hiệu trưởng biết. Tùy từng mức độ, Hiệu trưởng sẽ trực tiếp nhắc nhở có thể trực tiếp, hoặc được gửi vào từng hòm thư (mail) của giảng viên cùng những ý kiến nhắc nhở hoặc khen ngợi. Hiện nay chúng tôi đã yêu cầu mọi sinh viên đóng góp ý kiến ngay trên hệ thống mạng, điều này giúp cho việc giữ bí mật thông tin đồng thời xử lý số liệu được nhanh chóng.
Thực ra lúc ban đầu chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn và không phải mọi giảng viên đều đồng tình. Thậm chí có báo đã viết về việc này ở trường tôi như một hiện tượng xúc phạm thầy và không đúng với phong tục tập quán của người phương Đông. Nhưng rồi dần dần, chính các thầy cũng thấy đây là việc làm cần thiết thúc đẩy mọi người tự điều chỉnh mình, để cố gắng hơn, để vị thế của người thầy được tôn trọng hơn và cũng chính là để các thầy vững vàng hơn ở vị trí của mình. Có thể nói, việc lấy ý kiến của sinh viên đã được làm rất thận trọng, nên hơn 11 năm qua đã không gây nên những sự cố không đáng có, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng bài giảng, nâng cao trách nhiệm của thầy, đồng thời giữ được mối quan hệ lành mạnh, trong sáng giữa thầy và trò.
Chúng tôi tự hào rằng quan hệ thầy trò trong trường trong sáng, lành mạnh. Một phần kết quả đó là do chúng tôi đã triển khai và duy trì việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên trong suốt những năm vừa qua.
GS.TS.NGƯT Trần Hữu Nghị
(Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng)