SV Bách khoa Đà Nẵng sáng chế công cụ nhổ đậu chống đau lưng cho người nông dân

GD&TĐ - Dự án “Công cụ hỗ trợ nhổ đậu cho nông dân ở vùng Túy Loan” đạt giải Nhất cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng - EPICS 2025. 

Nhóm WIST.M đang thuyết trình về dự án “Công cụ hỗ trợ nhổ đậu cho nông dân ở vùng Túy Loan” tại cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng - EPICS 2025.
Nhóm WIST.M đang thuyết trình về dự án “Công cụ hỗ trợ nhổ đậu cho nông dân ở vùng Túy Loan” tại cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng - EPICS 2025.

Thân thiện với nhà nông và môi trường

Dự án Công cụ hỗ trợ nhổ đậu cho nông dân vùng Túy Loan của nhóm TWIST.M, gồm 5 sinh viên: Đặng Thị Thương, Phan Mạnh Cường, Võ Hoàng, Lê Đoàn Hạnh Nghi và Lê Đức Tuấn, đến từ Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.

Từ khảo sát thực tế điều kiện làm việc, tình hình sức khỏe của người nông dân ở làng Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nhóm TWIST.M được các cô chú chia sẻ họ thường mắc phải một số bệnh như đau lưng, đau khớp…

Võ Hoàng, sinh viên lớp 22ES, Khoa Khoa học công nghệ tiên tiến – thành viên của nhóm TWIST.M cho biết: “Khi thiết kế và chế tạo thiết bị thu hoạch đậu phộng sử dụng sức kéo, nhóm áp dụng 2 nguyên lý hoạt động của bộ phận thuần cơ khí đó là lò xo trợ lực và tay gạt. Điều này giúp ngăn ngừa và hạn chế vấn đề đau lưng, mỏi gối khá phổ biến ở người nông dân. Nhờ vậy, các cô chú sẽ sử công dụng cụ với các bộ phận xe đạp như bánh xe, dây phanh… trong tư thế thoải mái nhất của họ và không cảm thấy đau lưng, đau gối”.

cong-cu-thu-hoach-dau-dh-bach-khoa-da-nang-epics-2025.jpg
Nhóm WIST.M sử dụng các thiết bị tận dụng lại từ chiếc xe đạp để thiết kế Công cụ hỗ trợ nhổ đậu nhằm giảm chi phí giá thành và đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường.

Điều đặc biệt là nhóm sinh rất chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường khi sử dụng thiết bị thuần cơ khí. “Sau thảo luận các phương án thiết kế, nhóm đi đến quyết định không dùng các nhiên liệu hay pin để hoạt động. Điều này sẽ giúp việc hạn chế xả thải ra môi trường và tăng thời gian tái sử dụng của các bộ phận xe đạp cũ. Đây cũng là cách giảm đáng kể chi phí giá thành của thiết bị” – Hoàng phân tích. Các bộ phận có khả năng thay thế ngay lập tức chỉ với một chiếc xe đạp cũ, hướng đến phát triển nông nghiệp cộng đồng một cách bền vững và thiết thực.

Trong tương lai gần, thiết bị có thể cải tiến để có thể hỗ trợ người nông dân trong thu hoạch các loại nông sản khác nhau chứ không chỉ áp dụng với mỗi cây đậu. Theo tính toán của nhóm TWIST.M, những cải tiến này giúp thiết bị có thể tăng mức độ tiếp cận với tệp khách hàng là hơn 55.000 nông dân trên khắp cả nước.

Sân chơi ứng dụng

Ông Lê Quốc Huy, Trưởng bộ môn Kỹ thuật công nghệ tiên tiến, Khoa Khoa học công nghệ tiên tiến, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho biết, để tạo nền tảng và hứng thú với khoa học kỹ thuật cho sinh viên, ngay từ năm thứ nhất, Khoa đã giới thiệu về ngành học, hướng dẫn, dạy các em về tư duy – thiết kế. Sinh viên được tiếp cận với các dự án học tập để vận dụng các kiến thức liên ngành đã học vào giải quyết các vấn đề thực tế.

Với mô hình dạy học theo dự án, mỗi học kỳ, có ít nhất một môn học theo dự án thực. Sinh viên sẽ được phát triển rất nhiều kỹ năng, tư duy, tự hệ thống, củng cố lại kiến thức nghề nghiệp, tự tìm tòi để giải quyết các vấn đề thực tế.

doi-giai-nhat-epics-2025.jpg
Nhóm WIST.M đạt giải Nhất cuộc thi Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng – EPICS năm 2025

“Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng – EPICS” là cuộc thi nhằm thúc đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, hằng năm được tổ chức bởi Đại học Arizona (Hoa Kỳ) và Chương trình STEM của Công ty Dow Việt Nam.

EPICS triển khai theo mô hình học tập thực tiễn được công nhận quốc tế, với thời gian học tập thực hiện dự án trong vòng 3 tháng, các nhóm sinh viên từ đa ngành sẽ được hướng dẫn áp dụng quy trình thiết kế kỹ thuật để xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Vòng chung kết EPICS 2025 diễn ra tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM) vào đầu tháng 4 với sự tham gia của 21 đội sinh viên đến từ các trường đại học kỹ thuật tại TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Nội. Các đội tranh tài ở các hạng mục giải thưởng về đổi mới sáng tạo và ứng dụng kỹ thuật trong phục vụ cộng đồng.

Qua 7 mùa thi EPICS, các đội thi đại diện Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã xuất sắc đạt giải cao liên tiếp với những sản phẩm như Cánh tay robot, giải nhất EPICS mùa 1 năm 2018; Gậy dò đường thông minh, giải nhất EPICS lần thứ 2 năm 2018; Áo phao đa năng, giải nhất EPICS năm 2020; Áo khoác an toàn, đạt giải nhì EPICS năm 2021; Găng tay hỗ trợ phục hồi chức năng, giải nhất EPICS năm 2022; Máy sục khí Ozone đạt giải nhì EPICS năm 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ