Sức sống mới trên hồ thủy lợi Từ Hiếu

GD&TĐ - Năm 1998, công trình thủy lợi liên hồ Từ Hiếu gồm 3 hồ nhỏ là: Từ Hiếu, Roong Đeng và Tạng An thuộc xã Mường Lai, huyện Lục Yên (Yên Bái) được đầu tư xây dựng. 

Nhiều hộ dân ven hồ phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi cá lồng
Nhiều hộ dân ven hồ phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi cá lồng

Sau 20 năm hoàn thành và đưa vào sử dụng các hồ thủy lợi này đã phát huy tối đa hiệu quả. Cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây đã khấm khá hơn nhờ biết dựa vào diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản.

Nhớ thời chuyển nhà đắp đập…

Đến xã Mường Lai hôm nay ai cũng dễ dàng nhận thấy sức sống mới đang hiện rõ nơi đây. Các công trình phúc lợi, xã hội như trạm y tế, trường học, bưu điện, trụ sở ủy ban nhân dân được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Có thể thấy bộ mặt nông thôn Mường Lai đang ngày càng đổi thay mạnh mẽ và điều quan trọng hơn hết là đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân cũng ngày càng được nâng lên.

Những mô hình kinh tế cho hiệu quả cao ngày càng nhiều như mô hình trồng cây cam, phật thủ, chăn nuôi gà và gần đây là mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi Từ Hiếu. Đây là mô hình phát triển kinh tế mới ở địa phương được chính quyền đánh giá cao và cũng là hướng đi cần phát triển, nhân rộng trong thời gian tới.

Để hiểu hơn cuộc sống của những người dân vùng hồ, ông Mai Văn Vị, cán bộ địa chính kinh tế xã Mường Lai vui vẻ dẫn chúng tôi đi “mục sở thị”. Chưa đầy 15 phút chạy xe máy từ trung tâm xã chúng tôi có mặt dưới chân con đập Từ Hiếu. Mặt hồ mênh mông, nước xanh biếc dần hiện ra trước mắt, nhìn từ xa từng ngóc ngách, từng đồi cây bán đảo khiến chúng tôi liên tưởng đây như một Thác Bà thu nhỏ.

Ông Mai Văn Vị - Địa chính xã nhớ lại thời chuyển nhà, đắp đập
Ông Mai Văn Vị - Địa chính xã nhớ lại thời chuyển nhà, đắp đập 

Ông Vị cho biết: Trước đây, dưới lòng hồ là những khe đồi với những ruộng lầy bỏ hoang, chỉ một số ít ruộng là có thể canh tác được. Cuộc sống của bà con khu vực đó hồi ấy còn khó khăn lắm, bây giờ mênh mông nước, đi lại thuận tiện, vận chuyển hàng hóa đặc biệt khai thác gỗ rừng trồng dễ dàng, chưa nói đến nuôi trồng thủy sản, việc đánh bắt cá, tôm trên hồ cũng cho thu nhập rồi.

Để có lợi thế của ngày hôm nay, nhiều người dân trong xã đặc biệt là người dân ở 2 thôn Từ Hiếu và Nà Chao vẫn nhớ như in cái thời “chuyển nhà đắp đập” đầy khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy vui mừng, phấn khởi và hy vọng.

Năm 1998, công trình thủy lợi liên hồ Từ Hiếu, xã Mường Lai, huyện Lục Yên được khởi công xây dựng, theo đó có trên 100 hộ dân ở 2 thôn Từ Hiếu và Nà Chao phải di dời. Nhận thấy đây là một chủ trương đúng đắn, nhằm ổn định nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như mở ra nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nên đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy vậy, việc ổn định cuộc sống sau di dời cũng khiến không ít người lo lắng, đặc biệt một phần diện tích đất nông nghiệp bị ngập rồi đến việc phải thay đổi tập tục, thói quen.  Thế nhưng, tất cả mọi lo lắng đều được giải quyết khi hơn 10 ha đất ruộng bị ngập đã được chính quyền cấp lại cho người dân khi ở nơi mới, hỗ trợ người dân di dời, làm nhà, điều đặc biệt là đa số các hộ dân di dời không cách xa chỗ ở cũ là mấy, sống ven hồ thủy lợi để phát huy lợi thế diện tích mặt nước.

Đến chuyện trở về nuôi cá trên hồ

Đứng trên đập hồ Từ Hiếu chúng tôi phóng tầm mắt ra làn nước xanh biếc, trên đó là những ngôi nhà nổi trông chẳng khác gì một thành phố thu nhỏ. Như để giải thích với chúng tôi vì sự hiện diện của những chiếc nhà nổi kia, ông Triệu Văn Thuộc - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lai cho biết: “Đấy là những chiếc bè nuôi cá lồng, trước đây một số ít người trong xã cũng đã nuôi cá lồng nhưng đầu tư chỉ bằng tre, nứa được đóng cố định, bây giờ thì khác những bè cá kia đều nổi nhờ thùng phi, quây bằng lưới, nghề nuôi cá lồng như vậy chỉ mới xuất hiện ở xã từ đầu năm 2016 nhưng đến nay đã thấy rõ hiệu quả và phát triển lắm. Hiện tại có gần 40 bè cá, mỗi bè có từ 6 đến 10 lồng. Chủ nhân của những chiếc bè cá hầu hết là thanh niên, năng động, chịu khó. Các hộ nuôi cá đã được hỗ trợ từ 8 đến 10 triệu đồng/lồng từ nguồn vốn giảm nghèo và từ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Bè cá của gia đình anh Ma Văn Lâm
Bè cá của gia đình anh Ma Văn Lâm 

Anh Ma Văn Lâm, sinh năm 1989, sau khi học hết cấp 3 thì đi làm thợ cơ khí, với thu nhập trung bình trên 6 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, phải đi làm xa nhà nên cũng chẳng còn tiết kiệm được bao nhiêu. Đầu năm 2016, anh Lâm quyết định quay về đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Từ Hiếu, theo hình thức nhà nổi. Anh đầu tư mua thùng phi, lưới về làm. Anh là người đầu tiên trong xã làm bằng hình thức này nên không ít người tò mò và nghi ngờ về hiệu quả của nó. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay với 6 lồng cá rô phi đơn tính và cá trắm, mỗi năm cho thu 3 tấn cá, tương đương trên 100 triệu đồng thì nhiều người đã học và làm theo.

Anh Lâm cho biết: “Chỉ tình cờ một lần xem trên tivi nói về mô hình nuôi cá lồng bằng phao, lưới thấy hay quá, nhận thấy ở gần nhà cũng có hồ nước nên mạnh dạn vay vốn về quê đầu tư, năm đầu tiên do chưa biết chọn giống nên cũng bị lỗ, nhưng càng làm, càng tìm hiểu trên sách, báo, tivi thì càng đút rút ra kinh nghiệm, đến nay chỉ mong muốn mình làm thêm được nhiều lồng cá hơn”.

Nhắc đến hồ Roong Đeng với diện tích mặt nước trên 14 ha thì người dân địa phương nghĩ ngay đến mô hình nuôi cá, nuôi ếch của anh Hoàng Văn Chiếm, sinh năm 1983 bởi quy mô và hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại. Anh Chiếm từng học chuyên ngành thủy sản, cũng như nhiều thanh niên khác tìm được công việc ổn định sau khi ra trường là điều mong muốn. Nhưng anh cũng phải bươn trải với đủ thứ nghề từ Nam ra Bắc, đến giữa năm 2016 khi thấy nuôi cá lồng ở xã nhà đang được nhiều người đầu tư, anh Chiếm quay về quê vay vốn cùng với sự hỗ trợ của nhà nước anh đầu tư 1 bè cá với 10 lồng.

Vốn sẵn có kiến thức chuyên ngành thủy sản nên  mô hình kinh tế của anh Chiếm cho hiệu quả ngay từ những lứa cá đầu tiên. Hiện nay, anh Chiếm nuôi 4 lồng cá trắm, khoảng 800 con, khi cá được 3 đến 4 kg thì xuất bán, 6 lồng cá diêu hồng và rô phi đơn tính, trung bình mỗi năm cho thu gần 200 triệu đồng. Anh Chiếm cho biết: Ngoài việc nuôi cá, hiện nay anh đang đầu tư thêm nuôi ếch, vốn có kiến thức về chăn nuôi thủy sản nên việc nuôi ếch bố, mẹ để nhân giống ếch con cũng tiết kiệm một khoản lớn đầu tư giống, dự tính chỉ thời gian ngắn nữa là có khoảng 30 lồng ếch thịt, mỗi lồng khoảng 1.500 con. Việc nuôi cá, ếch lồng thật sự hiểu quả, bởi vì nuôi ở đây nước sạch, cá ít bị bệnh, lớn nhanh.

Hiệu quả là vậy nhưng nhiều hộ nuôi cá lồng trên các hồ thủy lợi ở xã Mường Lai vẫn không khỏi lo lắng bởi hiện nay vẫn chưa có đầu ra ổn định. Việc tiêu thụ cá vẫn mang tính nhỏ lẻ, người nuôi tự tìm các lái buônnên nhiều người không dám mở rộng thêm bè nuôi.

Ngoài việc tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ vốn cho người dân, các cấp, các ngành liên quan cần có thêm các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng ngay tại địa phương, liên kết với các công ty, doanh nghiệp tạo thành chuỗi liên kết từ việc cung cấp cấp con giống, thức ăn chăn nuôi đến việc tiêu thụ sản phẩm để nghề nuôi cá lồng trên các hồ thủy lợi thật sự hiệu quả, phát triển hơn nữa, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ