Sáng 13/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm và làm việc với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.
Cùng dự có ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM; ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm và làm việc việc tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng |
Trước buổi làm việc, Chủ tịch nước và đoàn công tác thực hiện nghi thức dâng hoa tại không gian truyền thống Phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - TPHCM, tôn vinh những giá trị tốt đẹp hình thành trong lịch sử hơn 65 năm của các thế hệ sinh viên nhà trường.
Chủ tịch nước cũng đến thăm, trao đổi với các thầy cô, sinh viên tại các lớp học thuộc Khoa Báo chí và Truyền thông và Khoa Triết học.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn công tác dâng hoa tại không gian truyền thống Phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng |
Khai mở các ngành đào tạo
Báo cáo với Chủ tịch nước, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện đào tạo 34 ngành bậc đại học, 34 ngành bậc thạc sĩ, 18 ngành tiến sĩ trong 7 lĩnh vực, với hơn 17.000 sinh viên và học viên sau đại học.
Nhà trường có 901 viên chức, người lao động, trong đó có hơn 519 giảng viên; có 4 giáo sư, 39 phó giáo sư, 239 tiến sĩ.
Ở phía Nam, nhà trường là đơn vị tiên phong khai mở các ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học mới như: Việt Nam học, Đông phương học, Nhân học, Quan hệ quốc tế, Đô thị học. Trường là điểm quy tụ nhiều nhà khoa học, nhà giáo ưu tú và sinh viên giỏi.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng |
Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch nước gửi lời chúc mừng đến các thầy cô Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Theo Chủ tịch nước, dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài, coi trọng trí thức.
Các bậc tiền nhân thường nói: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “Phi trí bất hưng”.
Những nhận thức sâu sắc và quý báu ấy đề cao giá trị đạo đức làm người, nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta, góp phần hun đúc nên trí tuệ Việt Nam, đạo đức Việt Nam, văn hóa và con người Việt Nam.
Truyền thống đó được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, trao truyền và bồi đắp cho đến hôm nay.
Ngày 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để xã hội bày tỏ lòng biết ơn, tri ân các thầy cô, những người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp trồng người.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói chuyện với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ảnh: Mạnh Tùng |
Chủ tịch nước cũng bày tỏ niềm vui khi được về thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - nơi ông từng học tập cách đây hơn 30 năm.
"Kiến thức sâu rộng và nhân cách mẫu mực của các cô giáo, thầy giáo chính là tấm gương sáng, động viên chúng tôi bước vào cuộc sống với nhiều hoài bão trong hành trình phụng sự xã hội, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành công có được của lớp sinh viên ngày ấy trong đó có cá nhân tôi, có phần từ công lao dạy bảo của các thầy cô", Chủ tịch nước nói.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với niềm tự hào riêng của một cựu sinh viên, Chủ tịch nước biểu dương và đánh giá cao những thành tựu mà nhà trường đã đạt được trong thời gian qua.
Trường đại học là nơi phát hiện năng lực
Chủ tịch nước cho biết, đất nước đang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Khát vọng và tầm nhìn ấy chỉ có thể thành hiện thực bền vững khi có nền tảng khoa học và giáo dục chất lượng.
Trong đó, khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng, bởi đó là khoa học về con người, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến con người; giúp cho con người trở nên hoàn thiện, ưu tú hơn, đóng góp tốt nhất cho sự phát triển, để xã hội ngày càng tốt đẹp.
Theo Chủ tịch nước, con người luôn nằm ở trung tâm của mọi chính sách và hoạch định tương lai. Sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà là ở nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, tri thức và phẩm giá.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm và trao đổi với giảng viên, sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông. Ảnh: Mạnh Tùng |
Chủ tịch nước dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc". Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo cùng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.
Trí thức là nguồn nhân lực chất lượng cao, là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
"Nhiệm vụ của giáo dục đại học không chỉ là truyền thụ tri thức, tạo ra tri thức mới phục vụ sự tiến bộ, phồn vinh và hạnh phúc của xã hội, mà còn có nhiệm vụ chuẩn bị cho con người - nguồn nhân lực của xã hội có đủ phẩm chất và năng lực hành động, sáng tạo và thích ứng trong một thế giới không ngừng biến động, phức tạp, khó lường", theo Chủ tịch nước.
Trường đại học là nơi phát hiện năng lực, bồi dưỡng các giá trị, tạo nền tảng để cá nhân được phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo.
Chủ tịch nước trao học bổng cho các sinh viên tiêu biểu, xuất sắc. Ảnh: Mạnh Tùng |
Chủ tịch nước chia sẻ với nhà trường một số suy nghĩ về định hướng của nhà trường trong tương lai.
Thứ nhất, nhà trường cần kiên trì đổi mới tư duy và hành động, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, khẳng định vị thế trong nước, trong khu vực và quốc tế.
Thứ hai, đổi mới quản lý, quản trị nhà trường theo hướng tự chủ, chuyên nghiệp và hiện đại; tiếp tục chú trọng hướng mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút sinh viên quốc tế.
Thứ ba, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; xây dựng môi trường văn hóa, môi trường học thuật để sinh viên tự tin, độc lập, sáng tạo, say mê trong nghiên cứu, học tập, phụng sự xã hội.
"Các em sinh viên hãy nhớ rằng, chất lượng dạy và học trong nhà trường đại học chỉ đạt kết quả cao nhất khi người học chủ động, tích cực, tự giác học tập, nghiên cứu, khát khao khám phá tri thức và hoàn thiện nhân cách", Chủ tịch nước nhắn nhủ.
Thứ tư, cần có chế độ đãi ngộ và chính sách hợp lý với cán bộ có trình độ cao; tạo điều kiện, môi trường cho các thầy cô tự học tập, nghiên cứu, trau dồi, phát triển tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy năng lực sư phạm.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là sinh viên khoa Triết học khóa 1988-1992, Trường Đại học Tổng hợp TP HCM, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Thời sinh viên, ông là Bí thư Đoàn khoa Triết học, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ.