Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca

GD&TĐ - Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào có huyết khối sau tiêm vắc xin AstraZeneca. Tỉ lệ phản ứng quá mức sau tiêm chỉ ở mức 1%, cả 5 ca đều đã bình phục sau khi được xử trí đúng phác đồ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tính tới nay, Việt Nam đã tiêm chủng cho hơn 73.000 người.

Hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, có trường hợp bị sốt nhẹ, tuy nhiên những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.

Có thể thấy mức độ phản ứng sau tiêm chủng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác. Dẫn chứng của Bộ Y tế cho biết đối với vắc xin 5 trong 1 được tiêm trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng cũng có tỉ lệ phản ứng sau tiêm trên 50%.

Theo Hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng mở rông quốc gia, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào có huyết khối sau tiêm vắc xin AstraZeneca.

Tỉ lệ phản ứng quá mức sau tiêm chỉ ở mức 1%, cả 5 ca đều đã bình phục sau khi được xử trí đúng phác đồ.

Theo Bộ Y tế, lý do khiến tỉ lệ phản ứng sau tiêm tại Việt Nam thấp do luôn quán triệt tiêm đến đâu an toàn đến đó, quy định khám sàng lọc, đối tượng trì hoãn tiêm, chống chỉ định tiêm mở rộng hơn các nước, người tiêm được theo dõi tại chỗ 30 phút và tiếp tục theo dõi sau 24 giờ.

Trong ngày 15/4, Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp tất cả giáo sư đầu ngành tất cả lĩnh vực, đặc biệt trong điều trị để hỗ trợ các địa phương xử lý các trường hợp quá mẫn sau tiêm chủng, kể cả ca bệnh có huyết khối.

Hiện nay chúng ta có mạng lưới 1.500 đểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa và Bộ Y tế đang tiếp tục mở rộng thêm các điểm cầu. Đội ngũ chuyên gia, giáo sư ở 3 miền Bắc, Trung, Nam thường trực ở mạng lưới này sẽ tập trung giúp tất cả các địa phương trên toàn quốc.

Bộ Y tế nhận định, Việt Nam đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng ở mức độ rất cao và cao hơn yêu cầu. Có nhiều trường hợp phản ứng sau tiêm chưa đến mức nặng nhưng vẫn xử lý như trường hợp nặng. Bộ Y tế đồng ý phương án này, nâng cao hơn một mức so với khuyến cáo chung của quốc tế và WHO.

Các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca là phản ứng bình thường

Đại dịch COVID-19 đã lây lan và bùng phát mạnh tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, tính đến ngày 13/4/2021 đã có hơn 137,3 triệu người mắc và 2,95 triệu bệnh nhân tử vong, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội, giáo dục và kinh tế của mỗi quốc gia cũng như toàn cầu.

Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa tích cực bao gồm: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn…, việc sử dụng vắc xin phòng ngừa chủ động càng ngày càng trở nên cấp bách tại từng quốc gia và toàn cầu.

Trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá hiện nay về hiệu quả, tính an toàn của vắc xin phòng COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19, các nước cần đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng COVID-19 trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đặc biệt là với sự xuất hiện và lây nhiễm mạnh của các biến chủng vi rút SARS-CoV-2, độ bao phủ hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 phải đạt tới 75% dân số thế giới, đảm bảo tất cả các quốc gia và tất cả mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả những người khó tiếp cận nhất.

Vắc xin phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và được WHO thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021.

WHO khuyến cáo các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca là phản ứng bình thường của cơ thể trong quá trình đáp ứng miễn dịch sau tiêm vắc xin;

Trường hợp xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu và huyết khối tĩnh mạch có liên quan đến tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca là rất hiếm gặp; trong khi lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mang lại trong việc bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng trước COVID-19 lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro rất hiếm gặp nói trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ