Tổ chức tiêm vắc xin miễn phí tại điểm dịch vụ: Cơ hội lấy lại niềm tin

GD&TĐ - Nghịch lý thiếu vắc xin dịch vụ, thừa vắc xin miễn phí trong thời gian qua khiến nhiều trẻ mắc bệnh truyền nhiễm do không được tiêm hoặc tiêm không đủ mũi.

Tổ chức tiêm vắc xin miễn phí tại điểm dịch vụ: Cơ hội lấy lại niềm tin

Để trẻ được tiêm đủ mũi, đúng lịch,  Bộ Y tế đã triển khai tiêm vắc xin miễn phí tại các điểm tiêm chủng dịch vụ. Dù số người đồng ý chuyển từ dịch vụ sang miễn phí chưa nhiều nhưng cũng cho thấy vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng dần lấy lại niềm tin sau nhiều sự cố.

Vận động người dân tiêm vắc xin miễn phí

Để chấm dứt cảnh người dân thức trắng đêm để mua vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tác dụng của vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đồng thời đưa vắc xin miễn phí vào điểm tiêm này. 

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc lồng ghép vắc xin miễn phí tại điểm tiêm dịch vụ. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, ngoài những điểm tiêm chủng mở rộng được quy định, những điểm tiêm vắc xin dịch vụ cũng được cung cấp vắc xin miễn phí để tiêm cho trẻ khi có nhu cầu.

Trong ngày đầu tiên triển khai, đã có gần 100 trẻ được gia đình đưa đến để tiêm dịch vụ nhưng sau đó chuyển sang vắc xin miễn phí. Ông Cảm cho biết: Bên cạnh những vắc xin tiêm theo dạng dịch vụ, gia đình đưa trẻ đến tiêm vắc xin 6 trong 1, 5 trong 1 đều được nhân viên y tế tư vấn chuyển sang vắc xin miễn phí.

Lúc đầu nhiều người còn e dè nhưng khi được tư vấn về tác dụng của tiêm đúng lịch, phản ứng sau tiêm cũng như cách theo dõi sức khỏe của trẻ, ngay trong buổi sáng đã có 50 trẻ tiêm vắc xin này.
Chị Phan Thu Huyền (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: Hai vợ chồng đi từ 6 giờ sáng để kịp lấy số nhưng đến nơi thì nhân viên y tế báo hết vắc xin.

Đang định cho con về thì nhân viên y tế tư vấn nên chuyển sang vắc xin miễn phí để cháu được tiêm đủ mũi, đúng lịch. Ban đầu cũng lo vì cháu còn bé lại bị sốt, bỏ bú thì tội nghiệp nhưng sau chúng tôi quyết định tiêm cho cháu vì sốt cũng mất 1 - 2 ngày còn không may mắc bệnh thì khổ hơn.

Tương tự, con chị Hoàng Minh Thu (Thanh Trì, Hà Nội) bị lỡ vắc xin 5 trong 1 ba tháng nay, lần này lại chưa có nên chuyển sang tiêm cúm. “Tháng sau tôi sẽ cho cháu đi tiêm vắc xin miễn phí chứ đợi vắc xin dịch vụ không biết đến bao giờ”, chị Thu trao đổi.

Cơ hội lấy lại niềm tin

Người dân đổ xô đi mua vắc xin dịch vụ, một phần do kinh tế dư giả nhưng rất nhiều người dù còn khó khăn nhưng vẫn cố gắng đưa con đi tiêm dịch vụ bởi vắc xin phối hợp như 5 trong 1, 6 trong 1 hay viêm gan B, A, viêm não… rõ ràng ít tác dụng phụ hơn vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bên cạnh đó, những sự cố liên quan đến công tác tiêm chủng thời gian qua khiến nhiều người quay lưng lại với vắc xin miễn phí. Theo bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo phát triển cộng đồng (Hà Nội) chia sẻ: Người dân lựa chọn vắc xin an toàn hơn cho con mình là điều dễ hiểu bởi chẳng cha mẹ nào muốn con mình bị sốt, quấy khóc, thậm chí ảnh hưởng đến sinh mạng vì một mũi tiêm.

Dịch bệnh ngày càng nhiều trong khi vắc xin dịch vụ lại khan hàng, nhiều người lựa chọn tiêm vắc xin miễn phí là tín hiệu mừng bởi họ hiểu tầm quan trọng của việc phòng bệnh, có niềm tin vào vắc xin miễn phí. Đây là cơ hội cũng là thách thức với những người làm công tác tiêm chủng.

Nếu làm tốt, người dân sẽ không còn quay lưng lại với công tác tiêm chủng mở rộng, dịch bệnh vì thế cũng được khống chế. Ngược lại, tình trạng sai sót trong quá trình tiêm vẫn diễn ra thì chắc chắn niềm tin bị mất sẽ không bao giờ lấy lại được lần nữa. Sẽ có nhiều ổ dịch xảy ra, công tác phòng chống dịch bệnh, điều trị cũng căng thẳng, vất vả  hơn.

Năm 2015, dự kiến chỉ có 300.000 liều vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 cung cấp cho Việt Nam. Mỗi trẻ tiêm 3 mũi thì số vắc xin trên chỉ đủ cho 100.000 trẻ, quá ít so với 1,6 triệu trẻ ra đời/năm. Do vậy, lựa chọn vắc xin miễn phí trong thời điểm này là cần thiết, để mỗi trẻ được bảo vệ trước sự tấn công của dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...