Khởi động báo động đỏ nội viện: Hồi sinh cho bệnh nhân nước ngoài bị nhồi máu cơ tim cấp

GD&TĐ - Một bệnh nhân 66 tuổi quốc tịch Singapore đang nghỉ ngơi đột ngột lên cơn đau ngực trái dữ dội kiểu bóp nghẹt kéo dài trên 15 phút. Bệnh nhân đã nhập viện tại một bệnh viện nhỏ, sau đó được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Cấp cứu cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp
Cấp cứu cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp

Vào lúc 8 giờ sáng ngày 23/8/2019, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết đã tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nam TAN POHCK, 66 tuổi, quốc tịch Singapore trong tình trạng đau ngực trái dữ dội, bức rức, vật vã.

Bệnh khởi phát cách nhập viện khoảng 4 giờ, bệnh nhân đang nghỉ ngơi đột ngột lên cơn đau ngực trái dữ dội kiểu bóp nghẹt kéo dài trên 15 phút, vã mồ hôi nhập viện tại bệnh viện địa phương và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Kết quả điện tim, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước rộng, nguy cơ tử vong rất cao nếu không can thiệp kịp thời. Xác định đây là ca bệnh nghiêm trọng kết hợp nhiều bệnh nội khoa như đái tháo đường, tăng huyết áp nhiều năm, quy trình báo động đỏ nội viện được khởi động.

Sau 30 phút nhập viện, bệnh nhân đã được đưa đến phòng LAB tiến hành can thiệp do Ths.Bs Trần Văn Triệu – BS. Nguyễn Huỳnh Minh Thông cùng ê - kíp thực hiện. Các bác sĩ đã xử trí can thiệp nong bóng và đặt 1 stent phủ thuốc vào đoạn gần và đoạn giữa nhánh liên thất trước, thủ thuật chỉ kéo dài 20 phút.

Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, giảm đau ngực nhiều. Hiện người bệnh đang được điều trị tại Khoa Tim mạch can thiệp. Trò chuyện với bác sĩ sau can thiệp, bệnh nhân cho biết: “Khi vào bệnh viện tôi đau ngực rất nhiều, tôi rất lo lắng vì căn bệnh của mình. Được điều trị tại bệnh viên, tôi hết sức thán phục trước hành động xử trí nhanh nhẹn, quyết đoán trong cấp cứu của đội ngũ nhân viên y tế. Hiện tại sau can thiệp tôi thấy khỏe hơn và giảm đau ngực nhiều, cảm ơn các bác sĩ Việt Nam đã cứu sống mình”.

Ths.Bs Trần Văn Triệu – Khoa Tim mạch can thiệp cho biết: Nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch, khoảng 30% người bệnh tử vong trước nhập viện. Đặc biệt nhồi máu cơ tim cấp trước rộng là bệnh diễn tiến rất nhanh và nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao trong những giờ đầu vì biến chứng loạn nhịp và choáng tim.

Nếu không được xử trí kịp thời bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào, nên việc chẩn đoán và điều trị cần nhanh và chính xác. Trường hợp bệnh nhân này được tuyến trước chẩn đoán, xử trí kịp thời và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện có can thiệp mạch vành là một trong những yếu tố góp phần thành công cho việc tái thông mạch vành cấp cứu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ