Có nên dùng điều hòa trong mùa dịch Covid-19?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, không gian khép kín cộng với lạm dụng máy điều hòa là một trong những nguyên nhân khiến virus lây lan nhanh chóng, đặc biệt trong các khu công nghiệp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không gian kín cực kỳ nguy hiểm

Thông tin virus Corona có thể lây truyền qua không khí khiến không ít người hoang mang. Nhưng thực tế đó là con đường lây truyền của virus này từ trước đến nay.

Một điểm cần lưu ý là virus này lây trong không khí, trong khi trước đó vẫn lây qua cơ chế giọt bắn là chính. Cần hiểu ở đây là lây trong không khí ở môi trường kín, bật điều hòa, không mở cửa thông thoáng khí.

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, so với các biến chủng của virus trước đó, biến thể kép lần này của Ấn Độ lây nhanh hơn nhiều.

Chẳng hạn chu kỳ lây nhiễm của đợt dịch xảy ra tại Đà Nẵng đợt tháng 7/2020 là 5 - 7 ngày thì đợt dịch này chỉ 2 - 3 ngày. 36 tiếng sau khi tiếp xúc với mầm bệnh thì một người đã có thể có xét nghiệm dương tính và có trường hợp đã lây cho người khác sau 2 ngày bị phơi nhiễm.

GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên, Công ty TNHH MTV Vắc-xin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế cho biết, các ổ dịch ở Bắc Giang lây lan nhanh chóng là do trong môi trường khép kín, bật điều hòa, virus có điều kiện tối ưu để lây lan.

Đó là lý do rất nhiều F1 thành F0. Bài học kinh nghiệm để Việt Nam chiến thắng dịch SARS năm 2002 chính là việc mở cửa tất cả các phòng thông thoáng, bật tất cả các quạt để không khí trong phòng được lưu thông.

“Việc giữ cho không gian thông thoáng là tối quan trọng trong phòng chống dịch, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm. Khi phòng thông thoáng, virus sẽ cùng với giọt bắn thoát ra ngoài và bị tiêu diệt bởi môi trường, không có điều kiện bám vào người để lây lan. Có trường hợp, cán bộ y tế đi ở hành lang thôi cũng nhiễm phải giọt bắn của bệnh nhân.

Những hạt dịch mũi họng này khi bắn vào người, sẽ nhanh chóng tiếp cận vào hệ hô hấp, mũi họng. Virus cũng nhân lên với tốc độ chóng mặt. Rồi sau đó, chúng lại phát tán qua hơi thở của người nhiễm vào không khí. Số ca nhiễm sẽ tăng theo cấp số nhân nếu trong môi trường đóng kín có người nhiễm virus.

Tôi đề xuất thời điểm này, tất cả các khu công nghiệp, khu sản xuất, nhà xưởng, công ty… không sử dụng điều hòa mà chỉ sử dụng quạt điện. Mở cửa thông thoáng, bật quạt liên tục. Ngoài ra người làm việc cũng phải liên tục đeo khẩu trang để phòng tránh dịch bệnh”, GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên cho biết.

Chấp nhận nóng để tránh lây nhiễm chéo

Việc tăng cường sức đề kháng là cách phòng bệnh hữu hiệu hơn cả. Trong thời gian này, tốt nhất là uống nước ấm, có thể uống mỗi ngày 1 cốc trà gừng ấm, nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nước ấm cũng là môi trường mà virus Covid-19 “không thích”, chúng thích tồn tại trong môi trường nước lạnh hơn. 
Cần phải hiểu rằng, nước nóng không diệt được virus, nhưng chúng làm tăng sức đề kháng của cơ thể, tránh khả năng bị nhiễm lạnh. Ngoài ra, cần tránh xa nơi tụ tập đông người, hạn chế đến các trung tâm vui chơi đông đúc. Khi ở nhà, không bật điều hòa, mở cửa để thông gió và ánh sáng chiếu vào nhà - PGS.TS Phạm Thị Khoa.

GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên mong muốn Bộ Y tế sẽ áp dụng giải pháp này trong các bệnh viện, các khu cách ly. Phải yêu cầu mở toang cửa dù trời nóng cũng phải chấp nhận để tránh lây chéo. Việc bật điều hòa, môi trường kín khiến virus tồn lưu lâu hơn, dễ lây chéo hơn.

Trong các công sở, cơ quan, khi làm việc cũng nên mở cửa thông thoáng, không dùng điều hòa. Nên sử dụng quạt điện để làm mát, đặc biệt dù đã có xét nghiệm âm tính, vẫn cần phải đeo khẩu trang.

Trong gia đình, ban ngày cũng không nên dùng điều hòa, thực hiện vệ sinh thật tốt, đặc biệt lưu ý sức khỏe của người già và trẻ em. Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng.

“Tốc độ lây nhiễm của chủng virus lần này rất lớn và khủng khiếp. Việc phòng tránh nguy cơ lây nhiễm phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Ngay như công ty sản xuất vắc-xin nơi tôi làm việc, nhiệt độ phòng bắt buộc phải luôn là 22 - 25 độ C nên cán bộ công nhân viên phải xét nghiệm thường xuyên, đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc.

Đối với các cơ quan, công ty làm việc không yêu cầu phải có phòng sạch thì điều kiện bắt buộc phải thông thoáng. Dù thời tiết có nóng cũng phải chấp nhận”, GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên cho biết.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế cũng cho biết biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn.

Thực tế hiện nay, qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Đặc biệt, virus lây mạnh trong môi trường kín như quán bar ở Vĩnh Phúc, bệnh viện, địa điểm massage, nhà máy trong khu công nghiệp (điều hòa, tập trung đông người, ngồi sát nhau…).

Trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí chứ không rơi xuống, vì thế nó lây mạnh hơn.

PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét, ký sinh trùng Trung ương khuyên, với những người bị cảm cúm thông thường, cũng không nên quá hoang mang. Không nhập viện ngay vì dễ dẫn đến tình trạng quá tải, lây nhiễm chéo ở bệnh viện.

Có thể dựa trên các dấu hiệu mà Bộ Y tế đưa ra về dịch bệnh Covid-19 để phân biệt. Nếu không tiếp xúc với bất kỳ nguồn có nghi ngờ lây nhiễm nào, bị cảm cúm, rát họng, chảy nước mũi thông thường… thì hãy ngay lập sử dụng các loại thuốc chữa cảm cúm thường dùng hoặc uống bổ phế.

Bị nhiễm Covid–19 thì biểu hiện rõ ràng nhất là ho khan, rát họng, không chảy nước mũi như cúm mùa thông thường. Để phòng bệnh, cần hạn chế tối đa việc tụ tập đông, ngồi buôn bán chuyện trò.

Cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tăng cường ăn uống các loại đồ ăn giàu dưỡng chất, bổ sung vitamin từ trái cây, rau xanh… để tăng sức đề kháng, chống lại dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ