Báo động về trẻ hóa rối loạn tâm thần

GD&TĐ - Tại các cơ sở y tế, nếu như trước đây bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần chủ yếu ở lứa tuổi trung và cao niên thì nay, số người trẻ có dấu hiệu gia tăng. Trong số đó, một lượng không nhỏ đang tuổi đi học, chiếm 3-4% tổng số học sinh, sinh viên cả nước.   

 Báo động về trẻ hóa rối loạn tâm thần

Do quá kỳ vọng vào con

Theo nghiên cứu của ngành Y, áp lực học hành đang là một trong những nguyên nhân chính đẩy học sinh, sinh viên gặp rắc rối về sức khỏe tâm thần. Theo GS.TS Cao Tiến Đức, Bệnh viện Quân y 103: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ học đường có nhiều rối loạn tâm thần và hành vi, đặc biệt hay gặp là rối loạn trầm cảm với tỷ lệ 3-4% trong quần thể học sinh, sinh viên. Giám đốc bệnh viện ban ngày Mai Hương Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết: Đợt cao điểm, một ngày bệnh viện có 200 -250 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong số đó, lứa tuổi học đường chiếm một con số không hề nhỏ, tới vài chục học sinh, sinh viên, mỗi ngày.

Bệnh viện Tâm thần T.ư 1 (Thường Tín, Hà Nội) một ngày giữa tuần, số lượng bệnh nhân đang tuổi đi học đến khám tâm thần không hề ít. Tại khu vực chờ khám, hai phụ nữ đang ngồi kèm hai bên một bé gái tuổi vị thành niên, trên người vẫn mặc đồng phục. Trong khi đó, người đàn ông tuổi trung niên tất tả cầm đơn của bác sĩ đi mua thuốc cho con. Với vẻ mặt vô hồn, bé gái nhìn trân trân người lạ, không một chút cảm xúc biểu hiện trên khuôn mặt.

Mẹ của cháu với khuôn mặt hốc hác, buồn bã tâm sự: Vợ chồng anh chị ở Bắc Kạn, là người dân tộc thiểu số, có hai con. Đây là con gái lớn của anh chị, vừa vào lớp 10. Con trai út đang học lớp 4. Suốt 9 năm học vừa qua con gái chị đều là học sinh giỏi, luôn trong top đầu của trường. Vì thế, cháu đã vào học nội trú ở một trường khá nổi tiếng, cách xa nhà hàng trăm cây số. Song vừa nhập học từ tháng 8, gia đình bất ngờ khi cuối tuần trước nhà trường gọi đến đón con về chữa bệnh.

Hôm về nhà, chỉ thấy con lầm lì, cứ ngồi một chỗ, ngủ ít, lười ăn, sút cân nhanh, nhưng hai hôm sau thì cháu bắt đầu nói năng lảm nhảm. Kiệt sức, cháu không tự đi lại mà phải có người dìu. Hoảng sợ, vợ chồng chị đã lặn lội thuê xe đi hơn 200 km, đưa con về Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 khám bệnh. Bác sĩ kết luận cháu bị áp lực học tập một thời gian dài, từ lớp 9 ôn thi vào lớp 10. Thêm vào đó, còn có cả nguyên do môi trường nội trú xa nhà. Bác sĩ đã kê đơn cho điều trị ngoại trú và khuyên vợ chồng chị chuyển cho con về học trường ở gần nhà, không học trường điểm nữa.

Đáng lo nhất, thời gian qua, một số học sinh từ áp lực học hành, dẫn đến hành động tự sát. Thầy Nguyễn Mạnh Tráng, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, một học sinh lớp 12 học lớp ôn thi môn Vật lý của thầy đã nhảy từ tầng 4 xuống tự tử. Đây là một học sinh chăm ngoan, học lực rất giỏi. Chỉ vì bố mẹ muốn con thi vào Trường Quân đội, cháu lại chỉ thích thi vào Trường Đại học Ngoại thương, nên dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.

Nhiều du học sinh cũng mắc bệnh

PGS. TS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần T.Ư1 khẳng định: Tôi đã chữa trị cho rất nhiều học sinh, sinh viên bị rối loạn cảm xúc, trong đó có cả sinh viên đỗ thủ khoa. Trong đó, nhớ nhất là một cậu sinh viên tỉnh lẻ học rất giỏi, đỗ vào trường đại học số 1 của nước ta, luôn có tố chất ganh đua, không chịu học kém hơn bạn. Năm thứ nhất cháu vẫn học rất giỏi, xếp số 1 của khóa. Nhưng sang năm thứ hai, môn nào cũng đạt điểm cao nhất, chỉ có 1 môn đạt 7 điểm, đứng thứ 3, nhưng cậu ta bắt đầu có biểu hiện bức xúc, lao vào học, dần dần thành bệnh. Gia đình cho đi điều trị 6 tháng ở một cơ sở nhưng không hiệu quả, cháu đập vỡ 3 ti vi ở nhà, rất dễ kích động. Khi đến chỗ tôi điều trị, trò chuyện giải tỏa tâm lý, sau hai tháng cháu ổn định dần, và sau 6 tháng thì khỏi. Cháu vẫn tiếp tục đi học và có thành tích học tập tốt.

Thời gian qua, số lượng du học sinh bị trầm cảm, phải về nước điều trị cũng tăng cao. Bản thân bác sĩ Tô Thanh Phương đã điều trị cho các cháu du học ở Đức, Mỹ, Canada, Ba Lan, Nga, Tiệp…

“Có nhiều trường hợp trực tiếp điều trị mới thấy các cháu đang chịu sức ép quá nặng nề từ việc học. Có cháu duy nhất trong ngày lúc ăn ngủ là không học, còn lại là học ở trường, đi học thêm và ở nhà. Trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành, trí não chưa phát triển đầy đủ, vậy mà áp lực học hành đã vô tình làm lệch lạc phát triển trí não. Có gia đình, mang con đến điều trị bệnh nhưng vẫn không giảm áp lực học hành. Thấy vậy, tôi yêu cầu: Nếu không giảm áp lực học thì tôi sẽ không chữa bệnh cho con của họ nữa. Tôi đã hỏi họ: Coi việc học quan trọng hơn hay coi sức khỏe của con quan trọng hơn” - bác sĩ Phương cho biết thêm.

- Hiện có khoảng 30% dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần, trong đó 25% mắc trầm cảm.
- GS.TS Cao Tiến Đức, Bệnh viện Quân y 103: Theo nhiều nghiên cứu trẻ học đường có nhiều rối loạn tâm thần và hành vi, đặc biệt hay gặp là rối loạn trầm cảm với tỷ lệ 3-4% trong quần thể học sinh, sinh viên. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ