Sức hấp dẫn của một “Thiên cổ kỳ bút”

Sức hấp dẫn của một “Thiên cổ kỳ bút”

Sức hấp dẫn của truyện được hội tụ từ nhiều yếu tố: Nhà văn tạc nên một nhân cách đẹp về người trí thức Việt, sự kỳ tài trong nghệ thuật viết truyện, chiều sâu ý nghĩa của một thiên truyện ngắn... Tất cả được tạo nên bởi tài năng và tấm lòng của Nguyễn Dữ, nhà văn đất Thanh Miện, Hải Dương mấy trăm năm về trước.

Nhân cách đẹp của người trí thức Việt

Nhân vật văn học vốn dĩ là con đẻ tinh thần của nhà văn, song hình tượng nhân vật bước ra từ những trang viết ấy lại in bóng đậm nét trong tâm trí người đọc. Chẳng rào trước đón sau, ngay từ mấy câu mở đầu thiên truyện, Nguyễn Dữ đã chạm khắc trong lòng người đọc ấn tượng đặc biệt về anh chàng họ Ngô rất cá tính. 

“Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang. Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”. Vẻn vẹn hai câu văn, lai lịch, tính cách nhân vật được giới thiệu khái quát. Đây chắc hẳn là con người của hành động, bất phục trước tà gian, uy vũ. Cách vào truyện trực tiếp mở ra cho người đọc sự tò mò, hứng thú, rồi hòa vào diễn biến thiên truyện để hiểu thấu, hiểu rõ về vẻ đẹp nhân cách mà thiên hạ “vẫn khen là một người cương trực” của vùng đất Bắc.

Anh chàng trí thức “hiệp sĩ” Ngô Tử Văn đích thực là con người của bản lĩnh và hành động. “Trong làng trước có một ngôi đền linh ứng lắm. Cuối đời nhà Hồ, quân Ngô sang lấn cướp, vùng ấy thành một nơi chiến trường. Bộ tướng của Mộc Thạch có viên Bách Hộ họ Thôi, tử trận ở gần đền, từ đấy làm yêu quái trong dân gian”. Lẽ thường, bản lĩnh con người được thể hiện khi được đặt trong hoàn cảnh thử thách. Việc hồn ma tên tướng giặc chiếm đền, tác oai, tác quái gây hiểm họa cho dân gian khiến kẻ sĩ như Ngô Tử Văn tức giận, không thể chịu được. Vậy nên, hành động “châm lửa đốt đền” diễn ra như một hệ quả đương nhiên.

Đốt đền đồng nghĩa với việc đốt nhà tên giặc, không cho nó còn chỗ trú ẩn, làm yêu làm quái sách nhiễu nhân dân. Hành động quả cảm ấy được thực hiện minh bạch, đường đường, chính chính, chẳng do dự, băn khoăn hay một chút sợ sệt. Đúng là bản lĩnh của kẻ sĩ, khảng khái, can đảm mặc cho “mọi người lắc đầu, lè lưỡi, lo sợ thay”. Dường như, dũng khí hơn người kia được dệt nên từ mong ước đẹp, trừ gian diệt ác mang lại cuộc sống yên bình cho muôn dân. Hành động đốt đền tà của Ngô Tử Văn có sự hội tụ của tâm và dũng. Một tấm lòng đẹp và dũng khí lớn làm nên một nhân cách đáng trọng, đáng quý biết bao giữa cõi đời ngang trái lộng hành, “rễ ác mọc lan, khó lòng lay động”.

Đốt đền trừ ác là phép thử cho bản lĩnh cứng cỏi của Tử Văn. Đối diện với những hệ lụy sau hành động dứt khoát ấy mới đáng sợ hơn, và càng đáng sợ bản lĩnh của Tử Văn càng được chứng tỏ. “Đốt đền xong, chàng về nhà, thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run, rồi nổi lên một cơn sốt nóng, sốt rét”. Trong cơn sốt, Tử Văn bị hồn ma viên tướng bại trận của Bắc triều buông lời dọa nạt, đòi làm trả lại ngôi đền. Đáp trả điều đó, “Tử Văn mặc kệ, vẫn ngồi ngất ngưởng tự nhiên”. Đó là thái độ bình thản, điềm nhiên không hề biến đổi, run sợ của con người tin vào chính nghĩa và việc làm đúng đắn của mình. Kết quả, hồn ma tên tướng giặc kia tức khí, nổi giận, thề thốt, buông lời dọa nạt: “Ta tuy hèn, há không đem nổi ngươi đến Phong Đô sao, không nghe lời ta, nội nhật hôm nay tai biến sẽ đến”. Màn xung đột căng như dây đàn kết thúc, chính nghĩa thắng thế, sự cứng cỏi cùng bản lĩnh của Tử Văn càng được tôn cao.

Đặc biệt, cuộc đấu trí quyết liệt, căng thẳng với hồn ma tên tướng giặc họ Thôi dưới Minh Ti càng tô vẽ và làm nổi bật phẩm chất khảng khái, bản tính cương trực và uy dũng tuyệt vời của Tử Văn. Cảnh Minh Ti rùng rợn với quỷ sứ hung ác, con sông đầy gió xanh, sóng xám khiến người ta ghê người. Tử Văn bị giải đi rất nhanh, phán xét là kẻ “bướng bỉnh, ngoan cố, hỗn láo, tội sâu ác nặng, không được dự vào hàng khoan giảm”. Thế nhưng, chàng không hề run sợ, nhụt chí, một mực kêu oan, đòi phải được phán xét công khai, minh bạch. Đối diện với Diêm Vương uy quyền, “Tử Văn bèn tâu trình đầu đuôi như lời Thổ Công đã nói, lời rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào”. Sự khôn ngoan, điềm tĩnh, đưa ra bằng chứng không thể chối cãi, chàng đã vạch tội tên tướng giặc chuyển bại thành thắng, bảo vệ công lý, lẽ phải đến cùng, bảo toàn được sự sống. Chiến thắng của Ngô Tử Văn mang lại ý nghĩa to lớn, gian manh bị trừng phạt, cái ác đã diệt trừ, oan khiên được gột rửa, chức vị của thổ thần nước Việt được phục hồi. Chiến thắng ấy càng làm nổi bật sự dũng cảm, chính trực của kẻ sĩ nước Việt trên hành trình tranh đấu bảo vệ chính nghĩa.

Hành động trừ gian, diệt ác của Ngô Tử Văn được đền đáp bởi một phần thưởng xứng đáng, hậu hĩnh. Chàng được trở lại làm người, có lẽ Diêm Vương không chỉ trả lại công bằng cho kẻ can đảm mà còn muốn duy trì sự tồn tại của khí phách, dũng cảm, tinh thần khảng khái trên cõi trần. Ngô Tử Văn sẽ đóng vai trò là sứ giả mang lại sự bình yên cho nhân dân chốn dương gian. Chi tiết, Tử Văn được giữ chức phán sự đền Tản Viên giúp chàng có cơ hội mang lại công lý chính nghĩa cho cuộc đời. Con người cương trực, xả thân vì công lý mãi bất tử và xứng đáng được ca ngợi tôn vinh.

“Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Tử Văn “không bệnh mà mất”, song tiếng thơm lưu lại muôn đời. Tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác, trừ hại cho dân của chàng vẫn được nhớ ghi. Hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn mang vẻ đẹp của người trí thức chân chính nước Việt. Con người uy dũng, dám làm, dám chịu ấy xứng đáng là tấm gương để muôn người sau soi mình và hành động. Người đời yêu mến Tử Văn là yêu mến một nhân cách đẹp hiện thân của người trí thức nước Nam.

Sức hấp dẫn của một “Thiên cổ kỳ bút” ảnh 1
Bìa sách “Truyền kỳ mạn lục”.

Sự kỳ tài trong viết truyện

Văn chương mang vẻ đẹp của một vườn hoa muôn sắc, ngàn hương. Mỗi thể loại dường như tiềm ẩn một vẻ đẹp riêng có sự cuốn hút đến kỳ lạ. Nguyễn Dữ đã cuốn hút người đọc với những câu chuyện truyền kỳ hấp dẫn. Thể văn xuôi thời trung đại này thường phản ánh hiện thực đời sống qua những yếu tố kỳ lạ hoang đường. Trong truyện truyền kỳ, thế giới con người và thế giới cõi âm với những thánh thần, ma quỷ có sự tương giao. Đằng sau những tình tiết phi hiện thực, người đọc có thể nhận thấy cốt lõi của hiện thực cũng như quan niệm và thái độ của tác giả. “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” mang những nét đẹp đặc trưng của thể loại truyền kỳ. Trên cái nền hoang đường kỳ ảo là cái gốc hiện thực cuộc đời. Tất cả hòa điệu tạo nên sự hấp dẫn tò mò, kích thích trí tưởng tượng của người đọc.

Dõi theo mấy trang truyện về Ngô Tử Văn, người đọc thấy được sự dày đặc của các yếu tố kỳ ảo. Không gian kỳ ảo, thế giới cõi âm, Minh Ti với một con sông, trên sông bắc một cây cầu dài ước hơn nghìn thước, gió tanh sóng xám hơi lạnh thấu xương gợi cảm giác rùng rợn, khiếp sợ, hãi hùng. Nhân vật kỳ ảo có sự hiện diện của hồn ma tên tướng giặc họ Thôi gian manh, trơ tráo, giả nghĩa giả nhân, tác oai tác quái cướp miếu thần, gây họa muôn dân. Thổ Công áo vải mũ đen, dáng vẻ nhàn nhã, có lai lịch hiển hách, hiền lành, có trước có sau là nạn nhân của hồn ma tên tướng giặc. 

Diêm Vương quyền uy tối thượng sáng suốt, tỉnh táo, suy xét mọi chuyện và phán xét một cách công bằng. Các nhân vật quỷ, Dạ Xoa góp phần đem đến sự rùng rợn, sinh động cho thế giới âm phủ... Yếu tố kỳ ảo giúp câu chuyện nhuốm màu sắc huyền thoại, ly kỳ tạo nên sự thích thú cho người đọc. Hai yếu tố hiện thực và kỳ ảo đan cài với nhau giúp cho câu chuyện thêm phần sinh động, hấp dẫn. Đồng thời cũng phản ánh đúng tinh thần chung của Nguyễn Dữ trong cuốn “Truyền kỳ mạn lục” là lấy cái “kỳ” để nói cái “thực”. Sau những tình tiết hoang đường vẫn là hiện thực đời sống chẳng thể nào che giấu. Nào là cái ác hoành hành; quan lại nhiễu nhương tham lam; kẻ yếu bị đọa đầy...

Kết cấu của truyện rất giàu kịch tính với năm phần rõ rệt. Mở đầu: Giới thiệu trực tiếp tính cách nhân vật từ đó hướng người đọc vào hành động của nhân vật. Thắt nút: Hành động đốt đền tà của Tử Văn. Phát triển: Tình tiết Tử Văn lên cơn sốt, gặp tên tướng giặc và thổ thần, bị bắt xuống âm phủ trị tội. Cao trào: Diêm Vương phán xét tội lỗi của Tử Văn và những lời biện minh cứng cỏi. Mở nút: Tên tướng giặc bị trị tội, Tử Văn trở thành quan phán sự. Lối kết cấu mang chất kịch tạo nên một câu chuyện cuốn hút, người đọc âu lo, hồi hộp, căng thẳng rồi thở phào nhẹ nhõm ở phần kết, khi thiện thắng ác, chính thắng tà, kẻ gian bị trừng phạt, người ngay được đền đáp. Cách viết ấy chứng tỏ tài năng của người cầm bút.

Tài năng viết truyện của Nguyễn Dữ còn được khẳng định trong cách xây dựng nhân vật vô cùng đặc sắc. Tính cách nhân vật được khắc họa sinh động. Ngô Tử Văn có những phẩm chất của nhân vật chính diện, cương trực, ngay thẳng, không chấp nhận sự phi nghĩa, dám làm dám chịu trách nhiệm. Nhân vật vừa được khắc họa gián tiếp qua lời kể của tác giả, vừa xuất hiện trực tiếp qua hành động, lời nói. Từ đó tính cách hiện lên chân thực, sinh động. Ngược dòng thời gian mấy trăm năm về trước, cách viết ấy đáng được trân trọng trong bối cảnh văn học Trung Đại kết tinh chủ yếu ở thơ ca, văn xuôi họa hiếm lắm. Vậy nên, sức hấp dẫn của truyện một phần được tạo nên sự kỳ tài trong nghệ thuật viết truyện.

Những chiều sâu ý nghĩa

Nghệ thuật viết truyện ngắn có gì đó na ná như viết một bài thơ tứ tuyệt. Đó là sự dồn nén của cảm xúc và những tầng sâu ý nghĩa. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên vẻn vẹn bốn trang giấy mà gợi mở nhiều lớp nghĩa sâu xa. Đọc truyện, cả một thế giới hoang đường, kỳ ảo xuất hiện trong tâm trí, thế nhưng sau vỏ bọc ấy là bức tranh hiện thực của xã hội Việt Nam thế kỷ XVI.

Nhà văn đã rất tinh tế khi mượn cái ảo để phơi bày cái thực. Bối cảnh câu chuyện là thực, kẻ ác lộng hành sống trong sung sướng, người lương thiện chịu oan, thánh thần ăn của đút để bênh vực cho kẻ ác, Diêm Vương và các phán quan bị che lấp tai mắt, đôi khi làm việc quan liêu. Bên cạnh đó, truyện gửi gắm một chân lý sống đẹp. Hãy ngẫm ngợi về lời bàn của tác giả ở phần cuối, người ta sẽ ngộ ra nhiều điều lý thú: “Than ôi! Người ta thường nói: “Cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời. Sao lại đoán trước là sẽ gãy mà chịu đổi cứng ra mềm. Ngô Tử Văn là một chàng áo vải. Vì cứng cỏi mà dám đốt đền tà, chống lại yêu ma, làm một việc hơn cả thần và người. Bởi thế được nổi tiếng và được giữ chức vị ở Minh Ti, thật xứng đáng. Vậy kẻ sĩ, không nên kiêng sợ sự cứng cỏi”.

Qua lời bàn của Nguyễn Dữ, có lẽ chủ đề nổi bật của truyện chính là cuộc đấu tranh chống tà ma, yêu quái hay thực chất ám chỉ bọn quan lại tham nhũng, gây họa cho dân. Trên hành trình tranh đấu khó khăn ấy, người viết truyện ngợi ca tinh thần dũng cảm, khảng khái của Ngô Tử Văn dám đấu tranh trừ gian, diệt ác; thể hiện niềm tin mãnh liệt công lý bao giờ cũng chiến thắng gian tà, ác nhân sẽ bị trừ diệt. Đặc biệt câu chuyện về chàng “hiệp sĩ” Ngô Soạn nhắn gửi một bài học quý giá cho kẻ sĩ hôm nay. Không nên kiêng sợ cứng cỏi giữa thói đời bất công. Chớ đổi cứng ra mềm, đừng ngại tranh đấu, hãy sống sao cho xứng danh kẻ sĩ đất Việt.

Sinh thời, Nguyễn Dữ vốn là học trò giỏi của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, bản thân cũng từng đi thi và ra làm quan nhưng rồi lui về ở ẩn tránh thói đời đen bạc, bất công. Lặng lẽ ẩn dật, trải mấy năm dư, chân không bước đến thị thành. Ấy vậy mà danh thơm của ông vang mãi đến hôm nay với một “Thiên cổ kỳ bút”, “Truyền kỳ mạn lục”. Đọc văn của ông, người ta nhớ mãi một Vũ Nương trung trinh trong đau khổ, Tử Văn cứng cỏi diệt ác, trừ tà; Từ Thức lấy vợ tiên... Người ta khắc cốt ghi tâm tên các nhân vật bất hủ để rồi tấm tắc khen tài một cây bút văn chương của thế kỷ XVI. Với những giá trị đặc biệt, “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” mang dáng dấp của một âm chủ trong một bản hòa ca hấp dẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ