“Quốc sư Minh Không qua di sản văn hóa đền Thánh Nguyễn” là kết quả của thầy Thích Tâm Hiệp cùng nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền Miếu Việt. Cuốn sách hoàn thành đúng dịp 23 tháng Chạp vừa qua và dự định ra mắt công chúng dịp Tết Tân Sửu. Tuy nhiên, vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhóm tác giả quyết định dừng buổi ra mắt sách.
Cứ tìm sẽ thấy
Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Thích Tâm Hiệp cho biết, từ xưa nhiều người dù rất am hiểu Phật giáo vẫn cứ nhầm lẫn về hai vị quốc sư Minh Không và Không Lộ.
Căn cứ theo tài liệu sử sách về thân thế, sự nghiệp của hai vị thiền sư thì rõ ràng đó là hai người khác biệt, có tiểu sử rõ ràng. Vì có quá nhiều điển tích trùng hợp đến khó tin nên gây ra những nhầm lẫn trong dân gian.
Mấy trăm năm qua, các nhầm lẫn vẫn chưa chấm dứt. Trong buổi tọa đàm chia sẻ do Nhóm Chùa Việt tổ chức tại nhà sách Văn hóa Đông Tây, cách đây mấy năm Thiền sư Lê Mạnh Thát có nói: “Vấn đề về Không Lộ chắc để thế hệ sau tiếp tục nghiên cứu và làm rõ”.
Đã có quá nhiều những bài viết, những công trình nghiên cứu, những tranh luận về Không Lộ và Minh Không. Tối thiểu, một trí thức lớn là nhà nho Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) từng nêu vấn đề này nhưng vẫn chưa được làm sáng tỏ dứt điểm hoàn toàn.
Năm 2019, tại chùa Bái Đính hai lần diễn ra hội thảo về quốc sư Minh Không do UBND tỉnh Ninh Bình kết hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức. Thế nhưng vẫn chỉ dừng lại ở hội thảo với những bài viết với dữ liệu trích dẫn.
“Chưa có một công trình nào tiếp cận và làm rõ về quê hương bản quán của quốc sư Minh Không. Mặc dù đền Thánh Nguyễn vẫn còn đó và các tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp cũng khá rõ ràng. Vì thế, chúng tôi phải mất 5 năm điền dã, tìm tòi các bằng chứng với niềm tin cứ tìm sẽ thấy để giải quyết dứt điểm câu hỏi về Không Lộ và Minh Không”, thầy Thích Tâm Hiệp cho hay.
Sau khi xem các tư liệu mà thầy Tâm Hiệp và nhóm Đền Miếu Việt tìm được tại Hà – Nam - Ninh, Thiền sư Lê Mạnh Thát đã thốt lên “chứng tỏ tư liệu Phật giáo của cha ông ta để lại quá phong phú”.
Đến chính các tác giả trong nhóm giải mã về quốc sư Minh Không khi nhìn lại các tư liệu tìm được trong 5 năm cũng phải ngỡ ngàng. Trong khi trước đó, phần lớn các nhà nghiên cứu nhận định “tư liệu không còn gì”.
Không dừng lại ở thời Lý, thầy Tâm Hiệp và nhóm Đền Miếu Việt còn ngược thời gian nhiều ngàn năm tìm về thời đại các Vua Hùng. Điều kỳ lạ là không thiếu tư liệu quý báu mà tiền nhân ghi chép lại.
Trùng hợp giữa hai quốc sư
“Quốc sư Minh Không qua di sản văn hóa đền Thánh Nguyễn” được các tác giả tập trung khai thác toàn bộ những gì liên quan còn lưu lại: Từ văn bia, văn cúng, ngọc phả, văn tế, câu đối.
Đền Thánh Nguyễn vốn là ngôi đền cổ thuộc làng Điềm, phủ Tràng An nay là xã Gia Thắng (Gia Viễn – Ninh Bình). Tại đây, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 51 đạo sắc phong, bắt đầu từ đạo sắc sớm nhất - Dương Hòa ngũ niên (1639) đến đạo sắc cuối cùng đời Khải Định thứ 9 (1924). Đặc biệt, trong một ngọc phả nhóm nghiên cứu còn tìm thấy tên của cha quốc sư Minh Không và biết được chính xác quê mẹ đẻ.
Dù tư liệu rất rõ ràng từ mấy trăm năm trước, nhưng càng ngày những nhầm lẫn về hai vị quốc sư ngày càng trở nên phức tạp. Cả hai thiền sư đều là quốc sư đời Lý nhưng theo lịch sử thì Dương Không Lộ là quốc sư đời vua Lý Thánh Tông, còn Nguyễn Minh Không là quốc sư đời vua Lý
Thần Tông.
Theo kiến giải, thiền sư Minh Không thuộc thế hệ sau Không Lộ. Không Lộ ở thế hệ cùng với Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Cả hai vị, ngoài tài năng đức độ phi phàm của bậc thiền sư thì còn là thần y, đều đã từng chữa khỏi bệnh cho hai vua Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông. Hai thiền sư đều được vua phong quốc sư, được tín ngưỡng dân gian phong thần, gọi Đức Thánh tổ.
Tuy nhiên, có lẽ vô cùng cảm kính đức độ, tài năng của hai vị thiền sư mà truyền thuyết dân gian về thiền sư Minh Không đôi khi có sự đồng nhất với thiền sư Không Lộ. Chẳng hạn Văn bia tại chùa Cổ Lễ (Trực Ninh – Nam Định) đồng nhất Minh Không cùng thời với Giác Hải và Từ Đạo Hạnh và gọi đó là “Nam Thiên tam vị Thánh Tổ”.
Tương tự, Không Lộ thiền sư ký ngữ lục lưu giữ tại chùa Keo (Thái Bình) thuật lại tiểu sử Dương Không Lộ, chỉ khác tên họ, quê quán, còn lại sự tích hoàn toàn trùng khớp với thiền sư Minh Không.
Không chỉ trong tâm thức dân gian, đôi khi các tài liệu chính sử cũng có những kiến giải gần như đồng nhất hai vị thiền sư. Chẳng hạn, trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” hoàn toàn không có nhân vật Dương Không Lộ, chỉ thấy 3 đoạn ghi chép về đại sư Minh Không.
Cho đến nay, sau nhiều nghiên cứu thì kết quả vẫn không rõ ràng. Ngay cả nơi sinh, quá trình tu đạo và hành đạo của hai thiền sư cũng hòa vào nhau. Nhiều Phật tử dù rất am hiểu nhưng đôi lúc cũng không phân biệt được giữa thiền sư Không Lộ - Minh Không. Và thậm chí, hai thiền sư lại cùng được tôn là Thánh tổ nghề đúc đồng.
Một số nhà nghiên cứu về Phật giáo đánh giá cuốn sách “Quốc sư Minh Không qua di sản văn hóa đền Thánh Nguyễn” là công trình khảo cứu công phu và đầy đủ nhất khi nghiên cứu về quốc sư Minh Không.