(GD&TĐ) - Sự sống có thể đã xuất hiện rất lâu trước khi trái đất hình thành - một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ khẳng định như vậy. Sự sống có thể đã xuất hiện cách đây 10 tỷ năm. Theo quan điểm này, sự sống hình thành ngoài hệ mặt trời và đến trái đất của chúng ta, chẳng hạn, trong vụ va chạm với thiên thạch hoặc tiểu hành tinh.
Giả thuyết này, gọi là Panspermia, thỉnh thoảng lại xuất hiện với phiên bản mới. Giả thuyết cho rằng sự sống hình thành từ bên ngoài trái đất, lan tỏa đi khắp nơi nhờ các thiên thạch, sao chổi, hành tinh và tiểu hành tinh. Trên trái đất, gặp điều kiện thuận lợi, sự sống phát triển và tiến hóa. Không có bất kỳ chứng cớ nào khẳng định giả thuyết này. Người ta chỉ chứng minh được rằng, một số cơ thể sống, đặc biệt là vi khuẩn, có thể tồn tại trong các điều kiện khắc nghiệt của vũ trụ (trong đó có bức xạ vũ trụ).
Vào năm 2012, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã giới thiệu những chứng cớ cho thấy trong những mảnh vỡ sao chổi có các chất hữu cơ nguồn gốc ngoài trái đất. Cụ thể, họ đã tìm thấy một số axit amino chưa từng có trên trái đất. Ngoài ra, trong các mảnh vỡ đó, họ cũng phát hiện dấu vết của nước, là thành phần không thể thiếu để sự sống tồn tại. Thêm nữa, trong quá trình bay sát các ngôi sao, những “mảnh đá trời” có thể nhận được năng lượng cần thiết cho các phản ứng hóa học diễn ra, mà kết quả là sự hình thành các protein - thành phần cơ bản trong các cơ thể sống.
Tuy nhiên lần này hai nhà gen học Mỹ là Alexei Sharov ở Viện nghiên cứu tuổi già quốc gia ở Baltimor và Richard Gordon ở Phòng thí nghiệm Hải dương học ở Florida đã lưu ý đến chủ đề gây tranh cãi này. Các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp tính toán dựa trên định luật Moore (định luật xác định sự tiến bộ của công nghệ). Ứng dụng phổ thông nhất của định luật này liên quan đến năng lực tính toán của các máy tính - cứ 24 tháng, năng lực tính toán tăng lên gấp đôi.
Định luật Moore được sử dụng để giải quyết vấn đề sự sống có nguồn gốc ngoài trái đất như thế nào? Sharov và Gordon cho rằng có thể xác định tính phức tạp của dạng sống và mức độ phát triển, bắt đầu từ những sinh vật nhân sơ (vi khuẩn, tảo), qua sinh vật nhân chuẩn (các sinh vật có nhân tế bào) đến động thực vật đa bào.
“Các nghiên cứu bước đầu cho thấy, sự sống có thể đã xuất hiện khoảng 9,7 tỷ năm về trước” - Hai nhà gen học Mỹ nhận định như vậy. Họ cũng cho biết, quan điểm của họ là hoàn toàn mang tính lý thuyết.
Giả thuyết đang phổ biến hiện nay nói rằng sự sống hình thành cách đây khoảng 3,8 tỷ năm. Những dạng sống đầu tiên hình thành do kết quả tiến hóa của các chất hữu cơ. Tuy nhiên cả thuyết này cũng không được khẳng định chắc chắn.
Giả Thuyết Panspermia Panspermia là giả thuyết do nhà vật lý học và hóa học Thụy Điển Svante Arrhenius (1859-1927) đưa ra. Giả thuyết này nói rằng sự sống trên trái đất có nguồn gốc vũ trụ và các mầm sống (vi khuẩn không hoạt dộng tích cực) đến trái đất nhờ sao chổi, thiên thạch hay tiểu hành tinh. Khoa học đã chứng minh được rằng các vi khuẩn không hoạt động tích cực có khả năng tồn tại trong khí quyển rất loãng trên độ cao hàng chục kilomet. Một số lượng không lớn các viên đá (chẳng hạn thiên thạch) có thể hạn chế đáng kể các tác hại của bức xạ vũ trụ đối với chất liệu gen của vi khuẩn. Vì vậy, về mặt lý thuyết, vi khuẩn có khả năng phát tán khắp vũ trụ nhờ vào thiên thạch và hoạt động trở lại khi gặp các điều kiện thuận lợi trên một hành tinh nào đó. Giả thuyết Panspermia không giải thích sự hình thành sự sống. |
Nhật Linh (TH)