Đến cuối ngày, tình trạng hủy chuyến giảm bớt và có nhiều chuyến bay đã có thể cất cánh, song phần lớn chậm hơn thời gian dự kiến.
Theo thống kê, BA đã hủy khoảng 25% số chuyến bay dự kiến khởi hành từ sân bay Heathrow trước thời điểm 4h ngày 29-5.
Hành khách của BA cũng gặp phải tình trạng đình trệ tương tự tại sân bay Gatwick, sân bay lớn khác của thủ đô London, song không có chuyến bay nào phải hủy.
Chủ tịch và Giám đốc điều hành BA Alex Cruz khuyến cáo, các hành khách không nên đến 2 sân bay Heathrow và Gatwick trừ khi nhận được thông tin xác nhận đặt vé.
Ông Cruz cũng cảnh báo các ga của sân bay Heathrow hiện vẫn rất đông và hành khách không nên đến quá sớm tránh gây ra tình trạng tắc nghẽn.
Do tình trạng ùn tắc, ban quản lý sân bay Heathrow đã buộc phải yêu cầu một số hành khách rời khỏi sân bay và liên lạc với BA để nhận lại hành lý sau đó.
BA sẽ hoàn lại toàn bộ tiền vé cho những hành khách bị hủy chuyến và đã đưa ra chính sách đặt chỗ lại linh hoạt hơn.
Tối 27-5, BA cũng đã gặp sự cố lớn trong hệ thống mạng thông tin, dẫn tới rối loạn nghiêm trọng trong hoạt động vận hành các chuyến bay của hãng trên phạm vi toàn cầu. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy đây là cuộc tấn công mạng.
Nhiều hãng hàng không khác cũng gặp các vấn đề với hệ thống máy tính, nhưng quy mô và thời gian vấn đề máy tính của BA là không bình thường.
Tháng 4 vừa qua, Các hãng Lufthansa của Đức và Air France của Pháp đã bị gián đoạn hệ thống máy tính toàn cầu, khiến hành khách không thể làm thủ tục lên máy bay.
Tháng 8-2016, Hãng Delta Air Lines của Mỹ cũng đã hủy hàng trăm chuyến bay do hệ thống máy tính bị gián đoạn.