(GD&TĐ) - Tính gia trưởng của người đàn ông Việt nói riêng và người đàn ông châu Á nói chung dường như ít nhiều đã ăn sâu vào trong tiềm thức của họ. Bởi vậy mà đã có nhiều bà vợ than vãn, stress thậm chí là không thể sống cùng chồng vì tính gia trưởng, bảo thủ đó...
Vợ chồng sống với nhau gần chục năm, Huệ đã thuộc hết tất cả những sở thích, tính cách của chồng. Huệ có thể chấp nhận và làm theo tất cả những yêu cầu của chồng nhưng riêng tính bảo thủ và gia trưởng thì nhiều lúc đã khiến Huệ ức chế và cảm thấy bí bách, mất tự do.
Trước đây khi yêu, Huệ đã nhận thấy Sinh - chồng cô có tính cách gia trưởng, độc đoán nhưng cô lại nghĩ như vậy mới là đàn ông. Khi lấy về rồi Huệ mới nghẹt thở vì đức tính ấy.
Bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt như để quần áo cả gia đình hai ngày gom lại giặt một thể cũng bị anh lên án là lười nhác. Bữa ăn, Huệ có nhỡ tay cho muối mặn một chút vào canh, Sinh cũng cằn nhằn. Công việc cơ quan bận, Huệ có về muộn một chút thì Sinh lại la lối là: bỏ chồng, bỏ con ở nhà để đi đàn đúm... Bởi vậy, hầu như những buổi tiệc tùng, picnic... của cơ quan Huệ đều viện lý do từ chối mà chẳng dám nói nguyên nhân chính.
Ảnh MH |
Trong lòng Huệ, từ lâu đã cảm thấy rất khó chịu, bức bối nhưng vì Huệ luôn muốn gia đình êm ấm, những đứa con không phải nghe bố mẹ cãi vã nên đã nhẫn nhịn mọi chuyện. Cô răm rắp nghe lời chồng dù cho đúng hay sai bởi suy nghĩ "một điều nhịn chín điều lành". Dần dần, chính điều này khiến cả hai vợ chồng không có tiếng nói chung.
Khoảng cách vô hình giữa Huệ và Sinh ngày càng lớn. Im lặng trở thành thói quen bởi Huệ sợ nếu nói ra có lẽ gia đình sẽ tan vỡ. Dường như cô không được sống với chính mình, trở thành một cỗ máy không cảm xúc. Nhìn những đứa con, cô không biết tình trạng này còn kéo dài đến đâu...
Cũng lấy phải ông chồng gia trưởng như Huệ, Mai cũng có rất nhiều tâm sự, Mai kể: Chồng tôi là con thứ 3 trong gia đình có 3 anh em trai. Gia đình chồng tôi là gia đình mang tư tưởng đại phong kiến. Ngay từ nhỏ, các con trai trong gia đình chồng tôi đã được giáo dục đàn ông sinh ra để làm công việc to lớn, là trụ cột của cả gia đình. Phụ nữ chỉ là phận liễu yếu đào tơ, sống trong nhà là để "phục tùng" và luôn phải nhất nhất nghe theo những lời đàn ông chỉ giáo. Vì thế mà chồng tôi luôn cho mình cầm quyền, tự quyết trong mọi chuyện.
Hồi còn yêu nhau, Mai đã phát hiện ra, chồng mình có tính nóng hơn người. Mỗi lần đến nhà rủ đi chơi, chỉ cần Mai chậm vài phút là cũng khiến anh nổi quạu, quát ầm ĩ... Lúc đầu Mai cũng giận anh lắm, nhưng rồi cũng cố hiểu anh và cho rằng anh tính nóng rồi cũng bó qua.
Đến khi về sống với nhau, những đứa trẻ lần lượt ra đời Mai mới thấm nỗi cơ cực. Chồng Mai luôn đòi tự quyết mọi chuyện. Nếu anh muốn thì mọi việc phải diễn ra đúng theo ý đồ. Cấm cãi, cấm cự nự. Và cũng vì sự ngang ngược ấy mà có lần Mai phải ôm cả hai đứa nhỏ về quê dự đám cưới một người chú họ của anh trong khi đứa bé đang ốm, sốt đùng đùng...
Khi người chồng khó tính thì người vợ ít nhận được sự cảm thông động viên an ủi của chồng. Những người chồng này luôn muốn vợ phục tùng một cách tuyệt đối. Trong gia đình họ là người quyết định mọi việc mà không cần hỏi ý kiến vợ. Chính điều này đã làm cho không ít mâu thuẫn xảy ra. Tuy nhiên, người nhẫn nhịn và bỏ qua mọi chuyện để yên ấm nhà cửa lại chính là người vợ. Chính từ những việc nhỏ nhặt đã tích tụ thành hố ngăn cách lớn giữa hai người dẫn đến cuộc sống vợ chồng chỉ là sự chịu đựng. Để cuộc sống gia đình bớt căng thẳng, người vợ nên tìm cách ứng xử nhẹ nhàng và khéo léo không quá nhẫn nhịn và cũng không nên phản ứng thái quá.
Phương Thủy