Sống trong sợ hãi… bên dòng Nậm Nơn

GD&TĐ - Do tiềm ẩn nguy hiểm, 44/46 hộ dân tại khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) phải rời bỏ để đi sinh sống ở nơi khác…

Đường vào khu tái định cư Khe Ò cỏ dại mọc um tùm, hàng chục ngôi nhà và công trình nhà văn hóa bị bỏ hoang.
Đường vào khu tái định cư Khe Ò cỏ dại mọc um tùm, hàng chục ngôi nhà và công trình nhà văn hóa bị bỏ hoang.

Hy sinh vì thủy điện

Tháng 8/2004, Bản Vẽ - nhà máy thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ với công suất 320MW được khởi công xây dựng trên dòng sông Nậm Nơn (thuộc xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An). Một năm sau khi dự án ngăn dòng xây dựng đập, hàng trăm hộ dân ở xã Yên Na đã rời bỏ nơi ở để đến khu tái định cư nhường đất lại cho thủy điện Bản Vẽ.

Trong số hàng nghìn hộ dân phải di dời, có 46 hộ dân được bố trí về sinh sống tại khu tái định cư Khe Ò, xã Yên Na. Tại nơi ở mới nằm bên dòng sông Nậm Nơn, người dân được hỗ trợ xây dựng nhà cửa, nhà văn hóa, đường giao thông, điện lưới… với mong muốn sớm “an cư lạc nghiệp”, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, do yếu tố địa chất, khu tái định cư Khe Ò nhiều lần bị sạt lở đá khiến người dân hoảng sợ, phải “tháo chạy” khỏi nơi đây. Ban đầu, Khe Ò có 46 hộ dân sinh sống nhưng hiện nay chỉ còn 2 hộ dân bám trụ lại.

Các hộ dân bám trụ lại chăn nuôi một vài con trâu, con gà, đánh cá dưới sông và trồng rau để sống. Trong khi đó, một số hộ rời đi nay quay lại, biến nơi đây thành khu vực chuồng trại để chăn nuôi, hàng ngày chỉ ghé qua để chăm sóc gia súc.

Từ con đường bê tông lên khu tái định cư Khe Ò cỏ dại mọc um tùm. Những ngôi nhà bị bỏ hoang đã bạc màu vì thời gian…

Người dân địa phương cho biết, vào năm 2010, sau vài trận mưa lớn, một tảng đá “khổng lồ” nằm trên đỉnh đồi đã lăn xuống Khe Ò, rơi trúng nhà bà Quang Thị Mai. Tảng đá lăn xuống đè sập nhà bếp rồi vỡ đôi, một nửa lăn xuống đường, nửa kia xuống vực. May mắn, sự việc không gây thiệt hại về người, cả gia đình bà Mai thoát chết trong gang tấc.

Sau khi kiểm tra, chính quyền địa phương phát hiện sườn núi phía sau 7 hộ dân gần nhà bà Mai còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở nên đã hỗ trợ mỗi gia đình 7 triệu đồng để người dân tự di dời nhà.

Không dừng lại ở đó, người dân còn phát hiện một vết nứt dài chạy vòng phía sau khu tái định cư. Lo sợ nguy hiểm nên họ lần lượt rời bỏ Khe Ò đến bản Khe Chóng, xã Yên Na ở gần đó để dựng nhà ở tạm bên dòng Nậm Nơn.

Hiểm họa đá lăn rình rập

Một ngôi nhà bỏ hoang tại khu tái định cư Khe Ò.

Một ngôi nhà bỏ hoang tại khu tái định cư Khe Ò.

Ngỡ tưởng khó khăn đã qua, nhưng giờ đây người dân lại tiếp tục đối mặt với cảnh lo sợ đá lăn. Ngày 30/10/2022, một tảng đá rơi xuống trúng ngay gian nhà chính của gia đình chị Vi Thị Thắm (SN 1981), trú tại bản Khe Chóng, xã Yên Na.

May mắn tảng đá chỉ làm hư hỏng phần tường phía sau. Chị Thắm cho biết, hôm xảy ra sự việc có mẹ chồng và các con của chị ở nhà. May mà tảng đá rơi không trúng ai nhưng mọi người đều nơm nớp lo âu vì phải sống trong sợ hãi…

Anh Lương Văn Đông (SN 1990) - Trưởng bản Khe Chóng, xã Yên Na, cho biết, rất nhiều lần đá từ trên núi rơi xuống trúng nhà dân trong bản, may chưa có thiệt hại về người.

Hiện, phía trên đỉnh đồi còn rất nhiều đá “mồ côi”. Nếu trời mưa nhiều ngày, đất nhão ra là đá có thể lăn xuống bản bất cứ lúc nào. Chính quyền địa phương và người dân bản Khe Chóng đã nhiều lần khảo sát trên núi nhưng vì lượng đá quá nhiều, có những khối lớn không thể xử lý nên đành phó mặc cho số phận.

Anh Đông cho biết thêm, năm 2005, trước khi di dời để nhường đất cho nhà máy thủy điện Bản Vẽ, chính quyền đã tổ chức họp dân hỏi ý kiến về địa điểm tái định cư. Thời điểm này có 2 phương án được đưa ra, một là di dời về huyện Thanh Chương (Nghệ An); hai là di dân đến những khu vực quanh bản Khe Ò, Khe Chóng.

Nếu di dời về huyện Thanh Chương thì sẽ cách vị trí nơi ở cũ hơn 150km. Do khoảng cách quá xa nên người dân nơi đây không đồng ý.

Thế nhưng, do khâu khảo sát và chọn địa điểm còn nhiều bất cập nên hàng chục người dân xã Yên Na phải thêm lần nữa rời bỏ nơi ở của mình. Khu tái định cư Khe Ò nay chỉ còn là một miền đất hoang vu với những ngôi nhà hoang vắng cỏ mọc um tùm.

Ông Vi Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Yên Na, huyện Tương Dương - cho biết, địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về thực trạng này, tuy nhiên đến nay, các cấp có thẩm quyền vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để giải quyết dứt điểm giúp người dân ổn định cuộc sống.

“Chúng tôi rất mong muốn đưa người dân tại những khu vực sạt lở ra khu vực thị tứ Bản Vẽ. Nơi đó an toàn, có mặt bằng để người dân yên tâm sinh sống, an cư lạc nghiệp, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”, ông Tùng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.