Sông Tô Lịch sạch…

GD&TĐ - Rõ ràng, chỉ thoạt đọc cụm từ ấy, ai cũng lập tức phản đối, thậm chí dè bỉu, bởi biết bao nhiêu năm nay, Hà Nội đã quen với cảnh sông Tô Lịch, cũng như bao con sông khác chảy trong lòng thành phố bị ô nhiễm nặng nề, thực sự trở thành những dòng sông đen bốc mùi vô cùng khó chịu, cả ngày nắng cũng như ngày mưa... 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng gần đây, có nhiều động thái cho thấy quyết tâm của Hà Nội trong việc làm sạch, dẫn đến “hồi sinh” dòng Tô Lịch, như áp dụng công nghệ của Nhật Bản, Đức, xả nước hồ Tây để “thau rửa”, thậm chí có cả đề nghị cống hóa để làm sạch theo nghĩa bóng rằng con sông sẽ “biến mất”, mọi ô nhiễm khuất lấp sau mặt đường đông đặc người qua lại…

Chiều 9/7, trong phiên chất vấn tại kỳ họp của HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, nếu nước sông Tô Lịch “đứng” thì có thể dùng chế phẩm Redoxy3C của Đức để xử lý tình trạng ô nhiễm như ở các ao hồ của thành phố hiện nay. Vấn đề là sông Tô Lịch vẫn là dòng chảy, nên thành phố đang áp dụng các công nghệ thí điểm làm sạch, trước mắt cố gắng làm cho hết mùi.

Sông Tô Lịch hết mùi? Điều này là vô cùng khó, bởi hai bên bờ sông có tới gần 300 chiếc cống lớn nhỏ, hằng ngày đổ xuống khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Nước sông sẽ sạch thế nào, sẽ hết mùi ra sao khi ngày nào cũng tiếp nhận nguồn nước thải trực tiếp lớn đến như vậy?

Tôi may mắn được đến khá nhiều thành phố trên thế giới. May mắn được chứng kiến, được du ngoạn trên những dòng sông mềm mại, sạch sẽ uốn lượn giữa đô thị ngắm phố phường từ góc nhìn dưới lòng sông. Những cảm giác thật khác lạ, đáng nhớ. Mới đây, là câu chuyện nhỏ, bất ngờ và cụ thể hơn, trong việc chính quyền “làm bạn” với thiên nhiên khi tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Đó là việc chính quyền Seoul lấp con suối tự nhiên Cheonggye nằm giữa thủ đô để xây đường cao tốc vào năm 1950, nhưng khi thị trưởng Lee Myung Bak lên nắm quyền vào tháng 7/2003, ông quyết định phá bỏ con đường để khôi phục lại dòng suối, bất chấp không ít ý kiến phản đối gay gắt, vì con đường từng là biểu tượng cho sự đô thị hóa của Seoul, là nơi mưu sinh của người dân trong các phiên chợ truyền thống…

Và rồi con suối nhân tạo Cheonggye Cheon dài 5,8km được “hồi sinh” vào tháng 6/2005, với tổng vốn đầu tư 900 triệu USD. Đáng chú ý, nước của dòng suối nhân tạo là từ các nguồn nước thải trong thành phố đã qua xử lý, bảo đảm trong sạch. Con suối nhân tạo trở thành địa chỉ du lịch thu hút khoảng 60.000 lượt khách đến tham quan mỗi ngày. Người dân Seoul ngợi ca đó là “trái tim của thủ đô”, là “lá phổi” điều hòa nhiệt độ của thành phố. Cheonggye Cheon cũng là địa điểm thường xuyên tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc, hấp dẫn...

Trở lại với thực tại ở gần gũi ta. Bao giờ sông Tô Lịch sạch? Khoan hãy đặt ra một cột mốc cụ thể nào. Trước mắt, cứ bắt tay vào một cách khoa học, quyết liệt, mạnh mẽ đã, như Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, sẽ cố gắng làm cho con sông này trở nên “thơm tho” hơn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.