Sóng thần tàn phá Indonesia hình thành do đâu?

GD&TĐ - Rung chấn động đất, chuyển động dọc đứt gãy dưới biển, cấu tạo vịnh có thể góp phần gây nên trận sóng thần dữ dội quét qua Sulawesi, Indonesia.

Sóng thần tàn phá Indonesia hình thành do đâu?

Trận động đất mạnh 7,5 độ làm đảo Sulawesi của Indonesia rung chuyển lúc 5h02" chiều qua theo giờ địa phương. Video do nhân chứng quay hé lộ cơn sóng thần dâng cao dần ở vịnh gần Palu, cuối cùng xô vào bờ, khiến những người quan sát vội vàng bỏ chạy.

Các nhà khoa học bị bất ngờ trước cơn sóng thần không lập tức xuất hiện ngay sau động đất, dẫn tới mâu thuẫn trong cảnh báo nguy cơ. Nhưng giới chuyên gia cho rằng địa chất độc đáo của khu vực có thể là nguyên nhân dẫn tới diễn biến khác thường của thảm họa.

Trận động đất diễn ra sau hàng loạt rung chấn mạnh 6,1 độ bắt đầu từ khoảng 2h chiều. Sự kiện không chỉ phá hủy nhiều ngôi nhà mà còn gây tử vong và thương tích cho người dân. Mặt đất tiếp tục lắc lư với 27 dư chấn, mở đường cho trận động đất dữ dội 7,5 độ với tâm chấn nằm ở độ sâu 9,7 km, theo Cục khảo sát địa chất Mỹ. Sau đó, 31 dư chấn đổ tới dồn dập.

Tổng thiệt hại từ động đất mạnh chưa được xác định. Theo thông báo từ Badan Nasional Penanggulangan Bencana (BNPB), cơ quan phòng chống thiên tai của Indonesia, động đất gây mất điện trên diện rộng, cản trở liên lạc, nhưng nhà chức trách địa phương đang xử lý tình huống. BNPB cho biết Indonesia sẽ triển khai quân đội để khắc phục thảm họa.

Sóng thần thường là kết quả từ vận động dữ dội của những trận động đất lớn dưới biển ở ranh giới mảng kiến tạo. Động đất xảy ra phổ biến ở Indonesia, đất nước nằm trên Vành đai Lửa, tên gọi dành cho chuỗi ranh giới mảng kiến tạo hình móng ngựa ôm lấy bồn địa Thái Bình Dương. Vành đai Lửa là nơi diễn ra 90% số vụ động đất trên thế giới. Nhưng sóng thần là ảnh hưởng ngoài dự kiến, hiếm khi đi kèm động đất kiểu này.

Trận động đất 7,5 độ dường như là kết quả của đứt gãy trượt ngang, diễn ra khi hai khối vỏ đè nghiến lên nhau, chủ yếu theo phương nằm ngang. Sóng thần thường xuất hiện sau chuyển động dọc ở vỏ Trái Đất, phá vỡ tầng nước nằm bên trên và sản sinh những cơn sóng mang năng lượng khổng lồ đổ xô vào bờ.

"Đây rõ ràng là một bất ngờ", Baptiste Gombert, nhà địa vật lý ở Đại học Oxford, nhận xét. Gombert nhấn mạnh địa chất của Indonesia vô cùng phức tạp. Một mạng lưới nhiều loại đứt gãy khác nhau cắt qua khu vực, do đó xác định chính xác chuyện gì đã xảy ra là thách thức lớn với các nhà khoa học.

Trận sóng thần có thể sinh ra từ chuyển động dọc dọc theo đứt gãy, Gombert suy đoán. Nhưng ông cho rằng điều này khó có thể lý giải trọn vẹn về những cơn sóng cao. Một số mô hình sơ bộ ước tính sóng thần cao tới gần 5 m.

“Ngay cả khi chỉ có một ít xáo động theo chiều dọc, đây vẫn là trận sóng thần khá lớn. Nhiều khả năng lở đất, cả do tàu ngầm hoặc từ bờ, cũng tác động tới nước vịnh, tạo nên cơn sóng”, Gombert nói.

Đường ranh giới của vịnh cũng có thể góp phần gây nên thảm họa, theo Janine Krippner, nhà núi lửa học ở Đại học Concord. "Cấu tạo vịnh có thể khuếch đại chiều cao của sóng khi dẫn nước vào khu vực nhỏ hơn", Krippner viết trên mạng xã hội Twitter.

Các cơ quan của Indonesia đang cảnh báo người dân địa phương chú ý tới nguy hiểm có thể xảy ra. "Tốt hơn là không nên ở trong nhà ở hoặc nhà cao tầng bởi khả năng xuất hiện dư chấn gây nguy hiểm. Mọi người nên tụ tập ở khu vực an toàn. Tránh xa sườn đồi, núi", Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của BNPB, cho biết.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ