Sự kiện đặc biệt này đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc lan tỏa tình yêu Việt phục và khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong giới trẻ.
Hun đúc tình yêu văn hóa dân tộc
Tuần lễ văn hóa Sóng Đôi là hoạt động được tổ chức thường niên bởi Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM). Trải qua 3 mùa tổ chức thành công, tuần lễ văn hóa Sóng Đôi 2024 tiếp tục đã để lại nhiều tiếng vang với các hoạt động nổi bật như: Ngày hội Việt phục Tóc Xanh Vạt Áo, Tuần lễ Phim Việt Nhân Văn và cuộc thi ảnh trực tuyến Nét Việt.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ tuần lễ còn diễn ra nhiều hoạt động xen kẽ không kém phần thú vị như các buổi tọa đàm, workshop, trình diễn nghệ thuật, tặng chữ thư pháp, hát cải lương hay trải nghiệm làm và thử bánh dân gian cùng các nghệ nhân,... Tất cả hoạt động này đã góp phần khẳng định vị thế của Sóng Đôi - một tuần lễ văn hóa truyền thống đầy tính chuyên nghiệp và sáng tạo, thu hút được đông đảo người trẻ tham gia.
“Chúng tôi mong muốn lan tỏa những giá trị, tinh thần yêu văn hóa dân tộc Việt Nam, đặc biệt Việt phục đến với người trẻ, cụ thể là sinh viên. Nhận thấy sức đón nhận của cộng đồng, xã hội, cũng như các bạn sinh viên yêu văn hóa dân tộc ngày nay, tôi càng có thể khẳng định nhiều hơn về việc người trẻ rất quan tâm về văn hóa dân tộc” - Phạm Thành Thông, UV BTV Đoàn trường, Trưởng Ban tổ chức Sóng Đôi 2024 chia sẻ.
Sóng Đôi chính là một bức tranh văn hóa rực rỡ, nơi người trẻ, đặc biệt là những ai yêu thích lịch sử và văn hóa dân tộc có dịp hội ngộ, cùng bàn luận, chia sẻ đam mê. Bên cạnh đó, khách tham dự còn được khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống, đầy tinh thần tự hào dân tộc.
Tập thể cán bộ Đoàn Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM trong tà áo dài truyền thống. Ảnh: BTC cung cấp. |
Lần đầu tiên đến với tuần lễ văn hóa này, Nguyễn Huỳnh Thiên Phúc - sinh viên năm 2 ngành báo chí đã choáng ngợp trước quy mô và sức ảnh hưởng của ngày hội.
“Qua chương trình, em đã có thể khám phá nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống hơn, điển hình là văn hóa của người Chăm. Em đã được truyền thêm tình yêu với văn hóa dân tộc nói chung và Việt phục nói riêng, vì thế, em rất muốn trở thành thành viên ban tổ chức ở mùa kế tiếp” - Thiên Phúc hào hứng.
“Tham gia Sóng Đôi, em đã có thêm nhiều kiến thức về văn hóa cũng như khơi dậy tự hào rằng dân tộc ta đã có một trang sử hào hùng và những giá trị văn hóa vô giá. Em như được thôi thúc thêm về việc cần giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy” - Nguyễn Thành Tâm (SN 2003, ngụ Thủ Đức) cho hay.
Nổi bật trong chuỗi hoạt động của Sóng Đôi, ngày hội Việt phục Tóc Xanh Vạt Áo là một sự kiện văn hóa lớn thường niên nhận về sự chờ đợi của đông đảo những trái tim có tình yêu với lịch sử Việt Nam. Đây là ngày hội nơi người tham dự có thể trải nghiệm những di sản vật chất và tinh thần của tiền nhân, học hỏi được những bài học lý thú và đầy sinh động về văn hóa cổ truyền của người Việt Nam.
Người tham dự hào hứng trải nghiệm các gian hàng tại ngày khai mạc tuần lễ văn hóa Sóng Đôi 2024. Ảnh: BTC cung cấp. |
Ngày hội Việt phục lớn nhất miền Nam
Tóc Xanh Vạt Áo 2024 được tổ chức trong thời điểm kỉ niệm 280 năm ngày Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát định chế áo dài (1744 - 2024), tiền thân của chiếc áo dài hiện đại. Ngày hội cũng mong muốn góp phần khẳng định vị thế và vẻ đẹp của áo dài truyền thống trong dòng chảy thời trang đương đại.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia chia sẻ: “Từ đầu thế kỷ XX, âu phục từng bước trở thành trang phục phổ biến trong xã hội. Tuy nhiên, áo dài vẫn luôn được xem là quốc phục của người Việt Nam. Như vậy, áo dài đã góp phần quan trọng tạo nên một hình ảnh riêng, bản sắc riêng, là thương hiệu và phương tiện nhận diện của người Việt Nam trong suốt mấy trăm năm qua”.
Ngày hội Tóc Xanh Vạt Áo mùa thứ 4 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ 25 đơn vị làm văn hóa với hơn 30 gian hàng trải nghiệm. Điều đặc biệt là không chỉ có các đơn vị ở TPHCM mà còn có cả Hà Nội, Huế, Khánh Hòa cùng tham gia và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc khắp 3 miền Tổ quốc.
Đến với ngày hội, du khách còn được tìm hiểu, mặc thử và chụp ảnh cùng với Việt phục một cách chính thống. Các bộ trang phục được trưng bày đa dạng từ Việt phục triều Nguyễn, áo ngũ thân ứng dụng, áo dài Huế đến các loại phục sức và giáp phục phỏng dựng.
Không gian văn hóa đình làng Bắc Bộ đầy hoài niệm cũng được tái hiện tại đây, cùng với các hoạt động như thư trà Việt, trầm hương, thư pháp chữ Nho & Việt, điêu khắc ấn triện và tranh thủy mặc, các sản phẩm rối bóng, khắc gỗ.
Trở lại với Tóc Xanh Vạt Áo lần thứ 2, Huỳnh Xuân Huỳnh, founder của Nắng Ceramic (gian hàng gốm Lái Thiêu - Bình Dương xưa và nay) muốn truyền đến các bạn trẻ, đặc biệt là những người thích các sản phẩm thủ công tình yêu những truyền thống văn hóa truyền thống dân tộc.
“Trong thời buổi bây giờ, để định danh được một dân tộc phải dựa vào văn hóa. Văn hóa với tôi là một dòng chảy. Và để dòng chảy đó được tiếp nối thì phải nhờ sự đóng góp, kế thừa của các bạn trẻ”, Xuân Huỳnh nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ tuần lễ văn hóa Sóng Đôi 2024 còn diễn ra các hoạt động như, tọa đàm “Thú chơi Cổ ngoạn và Cổ vật” (khách mời nhà sưu tầm cổ vật Lê Gia & nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc); trình diễn Việt phục của các thương hiệu nổi tiếng; trình diễn trang phục cổ truyền và nghệ thuật truyền thống Chăm Pa; trình diễn các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống Việt Nam (dân ca quan họ, cải lương, nhã nhạc cung đình Huế); workshop “Di sản đô thị Sài Gòn - Nam Bộ qua các bản đồ”; talkshow “280 năm định chế Áo Dài - 10 năm nhìn lại phong trào Cổ phong”.