90% dân số Việt Nam có vấn đề về sức khỏe răng miệng. Con số trên cho thấy, phần lớn người dân, từ người già đến trẻ nhỏ chịu
đựng sự hoành hành của các bệnh liên quan đến răng miệng.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng phải để đến thực trạng thiếu thông tin, kiến thức và kỹ năng phòng ngừa bệnh.
Cứ 10 trẻ có 8 trẻ bị sâu răng
Sún, chẫng răng là tên gọi thân mật nhiều gia đình đặt cho trẻ bị sâu răng, sún răng và cái tên này tương đối phổ biến ở trẻ nhỏ nước ta.
Cô bé Trang Như (Long Biên, Hà Nội) mới 5 tuổi mà trông như… cụ già bởi hàng răng cái còn cái mất. Mẹ bé cho biết: Từ khi lên 4, răng bé chuyển sang màu đen và mủn dần.
“Gia đình đã hạn chế cho cháu ăn đồ ngọt, chú ý vệ sinh răng miệng nhưng cũng chỉ giữ được mấy chiếc răng hàm, răng cửa chẳng còn cái nào”, mẹ bé Như cho biết.
Tương tự, cô bé Thục Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên phải đến bác sĩ để kiểm tra và nhổ răng để tránh tình trạng răng mới mọc đè lên răng cũ.
Chị Huyền (mẹ bé) tâm sự: Gia đình cũng chăm sóc răng cho bé cẩn thận nhưng không hiểu sao răng cứ mủn dần, còn mỗi chân răng. Bác sĩ khuyên phải đưa cháu đi khám định kỳ để biết răng nào lung lay còn nhổ.
Còn bé Tường An (Văn Giang, Hưng Yên) tuy có hàm răng trắng đều nhưng cũng phải trám răng liên tục. Có những cái trám đến 3 lần mà… vẫn chưa yên.
“Bác sĩ bảo cố gắng giữ nhưng nếu tiếp tục sâu thì phải diệt tủy. Gia đình rất cẩn thận trong việc chăm sóc răng cho bé mà không hiểu sao răng vẫn sâu nhiều vậy”, mẹ bé Tường An trao đổi.
Sâu răng không chỉ là bệnh của trẻ nhỏ, rất nhiều người lớn cũng bị sâu răng. Nguyên nhân do chưa biết cách chăm sóc răng miệng, chủ quan không khám răng định kỳ, răng khôn mọc lệch gây sâu răng mà không biết…
Sâu răng, mắc các bệnh về răng miệng là tình trạng chung của người dân Việt Nam. Theo thống kê của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, có khoảng 90% dân số Việt Nam có vấn đề về sức khỏe răng miệng.
Với con số trên, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ người dân mắc bệnh răng miệng cao trên thế giới. Điều đáng nói ở chỗ, trẻ em là đối tượng mắc bệnh về răng miệng nhiều nhất, khoảng 85% trẻ từ 6 - 8 tuổi bị sâu răng.
Tác hại khôn lường
Bệnh về răng miệng, đặcbiệt là sâu răng khiến người bệnh luôn sống trong cảm giác khó chịu, đau nhức đến phát sốt, suy giảm sức khỏe do không ăn uống được.
Tổ chức Y tế thế giới cũng xếp sâu răng đứng hàng thứ 3 (sau ung thư và tim mạch) ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người.
Theo PGS.TS Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, sâu răng không đơn giản như mọi người nghĩ.
Khi bị sâu răng, người bệnh không chỉ bị đau tại chỗ răng sâu mà còn ảnh hưởng đến cả vùng mặt, dây thần kinh và toàn bộ cơ thể do không ăn uống được.
Răng sâu đồng nghĩa với việc bị nhiễm trùng. Qua chỗ sâu, ổ nhiễm trùng trên sẽ đi khắp cơ thể.
Nếu không điều trị kịp thời, sâu răng sẽ dẫn đến viêm tủy, áp xe. Nhiều trường hợp bị nhiễm trùng huyết, tiểu đường, tim hay nghẽn mạch xoang hang ở não có nguyên nhân từ răng.
Nghiên cứu gần đây của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho thấy, tình trạng răng sâu càng trầm trọng hơn ở người có trình độ học vấn thấp.
Học vấn thấp khiến người dân không hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng hàng ngày. Khi răng có vấn đề, họ cũng không nghĩ đến việc đi khám mà tự chữa bằng cách ngậm rượu, uống thuốc giảm đau.
Điều này cho thấy, việc tuyên truyền đến cộng đồng cách chăm sóc răng là vô cùng quan trọng. Học sinh, sinh viên chính là tuyên truyền viên tích cực đến các thành viên còn lại trong gia đình.
Vì vậy, cần cho trẻ biết tầm quan trọng của răng miệng, dạy cho trẻ cách chải răng đúng ngay từ khi học mẫu giáo và tăng cường kiểm tra sức khỏe răng miệng cho trẻ tại trường học.