Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, cá thể gấu nói trên được nuôi tại nhà người dân từ năm 2000. Đây là cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng của tỉnh Sơn La.
Hơn 20 năm sống trong lồng sắt, cá thể gấu này đã được chuyển về môi trường sống phù hợp tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Đội ngũ chăm sóc đặt tên cho cá thể này là "Tự Do" với cam kết từ nay cá thể gấu này có thể sống tự do như chính tên gọi của mình.
Đoàn cứu hộ khởi hành lúc 5h00" ngày 11/12 và về đến Cơ sở bảo tổn gấu Ninh Bình lúc 20h40" cùng ngày.
Sự kiện giải cứu này, chính thức đưa tỉnh Sơn La trở thành tỉnh thứ 41 tại Việt Nam không còn hoạt động nuôi nhốt gấu.
Theo thống kê, năm 2005, ước tính có khoảng trên 4.300 cá thể gấu (chủ yếu là gấu ngựa) bị nuôi nhốt tại trại tư nhân do nhu cầu buôn bán và tiêu thụ sản phẩm từ gấu. Những cá thể này bị suy dinh dưỡng, bỏ bê chăm sóc và có nguy cơ chết sau nhiều năm bị lạm dụng, khai thác trong môi trường nuôi nhốt tồi tệ.
Hiện nay, còn khoảng 324 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại 105 cơ sở nuôi của hộ gia đình trên cả nước. Trong đó Hà Nội có 30 cơ sở với 158 cá thể (theo ENV). Nhiều cá thể đã được cứu hộ về các cơ sở bảo tồn và có cơ hội được sống an toàn trong môi trường phù hợp với tập tính loài.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chia sẻ: “Việc cá thể gấu bị nuôi nhốt cuối cùng tại tỉnh Sơn La được chuyển giao tới trung tâm cứu hộ là tin mừng đối với chúng tôi sau nhiều năm cơ quan chức năng địa phương và các tổ chức bảo tồn cùng nỗ lực vận động. Sự thành công này không chỉ đánh dấu Sơn La trở thành địa phương tiếp theo không còn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật, mà còn là dấu mốc quan trọng tiếp theo trên chặng đường chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.”
Theo bà Hà, sự kiện này là bằng chứng cho thấy từ sự nỗ lực, quyết tâm của cơ quan chức năng và sự chung tay của cả cộng đồng, Việt Nam hoàn toàn có thể chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu trong tương lai không xa.