Tham dự tọa đàm có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc. Tọa đàm nhằm lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị có đào tạo ngành Luật để hoàn thiện hơn cho Dự thảo Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo Luật” hiện nay mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng.
Báo cáo tại tọa đàm, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết: Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo Luật” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác năm 2020 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Mặt khác, việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo luật cho sinh viên ngành Luật tại các cơ sở GDĐH trong bối cảnh mới đặt ra yêu cầ#u buộc các trường phải có sự thay đổi, cập nhật trong đào tạo. Việc chuẩn hóa chương trình đào tạo vì thế có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng mà các trường có đào tạo ngành Luật cần hướng đến.
“Hiện cả nước có 93 cơ sở đào tạo luật, với quy mô đào tạo trình độ đại học là 97.617 sinh viên. Trong đó có 70.170 sinh viên chính quy, 19.393 sinh viên hệ vừa học vừa làm. Số đơn vị ngoài công lập đào tạo ngành Luật là 34/91 đơn vị (37,4%) với quy mô đào tạo hơn 14.000 sinh viên (chiếm 14,5%). Tuy nhiên, điều đáng nói là số chương trình đào tạo ngành Luật hiện được kiểm định rất ít chỉ có 5 chương trình trong tổng số gần 200 chương trình đào tạo tại các trường.
Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo Luật” có ý nghĩa rất quan trọng khi tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu cho các cơ sở đào tạo luật. Đặc biệt, đề án hướng đến việc khắc phục tình trạng các cơ sở đào tạo luật chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, đảm bảo nguồn nhân lực cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp cả về số lượng và chất lượng để phục vụ công cuộc cải cách tư pháp, cũng như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về luật làm việc cho khối doanh nghiệp, cơ quan hành chính Nhà nước” - bà Thủy chia sẻ.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Đào tạo ngành Luật có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ pháp lý, tư pháp thực thi và bảo vệ pháp luật. Do đó, Bộ GD&ĐT sẽ sớm tiến hành xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho ngành Luật nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chuẩn đầu ra và chất lượng cho nhân sự ngành Luật. Các trường có đào tạo ngành Luật phải cùng nhau hình dung cái chuẩn sắp tới như thế nào, qua đó góp ý cho Bộ GD&ĐT xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho phù hợp với bối cảnh nước ta.
“Đây là thời điểm chúng ta nghĩ đến việc xây dựng chất lượng đào tạo, đồng thời chúng ta phải tính được sự đa dạng của phương thức đào tạo để làm sao đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân và xã hội. Sự đa dạng ấy có thể xây dựng trên nền tảng tiếp thu và lĩnh hội kinh nghiệm của thế giới nhưng vẫn phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Ngành Luật là ngành đầu tiên lấy ý kiến cho việc xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trên cả nước, vì vậy đề nghị Vụ GDĐH hết sức cầu thị ghi nhận, tiếp thu các ý kiến để tìm ra các giải pháp tốt nhất trình cho Ban Cải cách Tư pháp Trung ương, Bộ GD&ĐT nghiên cứu nhằm xây dựng được chuẩn chương trình đào tạo ngành Luật một cách đầy đủ và tốt nhất, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDĐH” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.