Với mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa Việt phục và lan tỏa nét đẹp của trang phục cổ Việt Nam, các bạn trẻ đã và đang nỗ lực quảng bá bằng nhiều hình thức khác nhau trong thời đại số.
Tận dụng mạng xã hội
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, văn hóa được sử dụng như một công cụ đắc lực. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa không chỉ giúp tăng cường mối quan hệ giữa các quốc gia, mà còn góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới.
Cổ phục Việt là một trong những nét đẹp văn hóa độc đáo, chứa đựng nhiều tinh hoa của lịch sử dân tộc. Khoảng ba năm trở lại, trang phục truyền thống trở thành một “hiện tượng thời trang”, người ta dần thấy nhiều hơn những bộ cổ phục xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày.
Những chương trình âm nhạc đình đám của năm như “Anh trai vượt ngàn chông gai” hay các sự kiện văn hóa, cuộc thi ngày càng chú ý hơn về vấn đề trang phục. Từ đó, công chúng tiếp cận gần hơn với các cụm từ như “áo tấc”, “Nhật bình”, “áo ngũ thân”, “Giao Lĩnh”, “áo Viên lĩnh”…
Đáng chú ý, đối tượng “hồi sinh” và lan tỏa những nét đẹp ấy lại là những bạn trẻ, với niềm yêu thích văn hóa - lịch sử dân tộc, sự say mê để rồi tìm hướng khơi dậy và nỗ lực phát huy cội nguồn văn hóa Việt.
Khi thời đại nền tảng số lên ngôi, cách tiếp nhận và quảng bá giá trị văn hóa cũng có sự nhiều thay đổi. Theo báo cáo Digital Việt Nam 2024 của We Are Social & Meltwater, có 92,7% tổng số người dùng Internet tại Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng truyền thông xã hội (tháng 1/2024), trong đó TikTok có 67,72 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam vào đầu năm 2024 (ByteDance).
Do vậy, mạng xã hội và các nền tảng truyền thông được xem là một phương thức hỗ trợ quan trọng trong việc phát triển và quảng bá giá trị văn hóa nói chung và văn hóa Việt phục nói riêng hiện nay. Vậy nên, một số bạn trẻ với niềm yêu thích cổ phục đã tận dụng nền tảng mạng xã hội với mục đích quảng bá nét đẹp văn hóa cổ phục, giúp Việt phục đến gần hơn với công chúng.
Hồng Nhung và Bảo Lâm (26 tuổi, nhà sáng tạo nội dung số) đã xây dựng những nội dung sáng tạo kết hợp với cổ phục Việt trên nền tảng TikTok - “Lâm & Nhung”. Hai bạn trẻ đã có sự kết hợp mới lạ khi tạo dựng nội dung dựa trên hình tượng cặp đôi gắn với các câu chuyện của các nhân vật lịch sử. Việc tái hiện lại câu chuyện lịch sử không chỉ giúp công chúng nâng cao hiểu biết về các nhân vật mà còn cho thấy được văn hóa trang phục theo từng dấu mốc lịch sử.
“Theo mình, điều mà mọi người cần biết đến là câu chuyện và lịch sử hình thành nên những bộ trang phục đó”, Bảo Lâm chia sẻ. Trở thành người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, các bạn trẻ hiểu được vai trò và trách nhiệm của bản thân.
Hồng Nhung nhìn nhận: “Với vai trò là người sáng tạo nội dung thì trước tiên bản thân mình phải có kiến thức vững mới có thể lan tỏa đúng cách. Cách truyền tải thông điệp cũng phải làm sao sống động để dễ dàng tiếp cận tới người xem hơn”.
Không chỉ dừng lại ở đối tượng trong nước, các bạn trẻ còn nỗ lực quảng bá văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế. Hồng Anh (30 tuổi, hiện làm việc tại New York, Mỹ) với tài khoản TikTok Vi Việt Phục đã lan tỏa những hình ảnh đẹp và cung cấp kiến thức về văn hóa Việt phục tới bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, với những bạn mang trong mình dòng máu Việt, họ luôn khát khao tìm về cội nguồn trong mình. Hồng Anh cho biết: “Sau khi xem video của mình, một số bạn Việt kiều đã nhắn tin cho mình nói rằng họ bất ngờ với nét đẹp của trang phục truyền thống và có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn. Điều này khiến mình rất cảm kích”.
Trong những dịp gặp mặt, giao lưu văn hóa, Hồng Anh luôn cố gắng lựa chọn những trang phục thể hiện nét đẹp truyền thống dân tộc, cùng những người bạn đến từ nhiều nước khác nhau trao đổi, giao lưu các giá trị lịch sử - văn hóa.
Cô chia sẻ: “Mỗi dịp lễ, mình và các bạn từ nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc... đều cùng nhau mở một buổi tiệc giao lưu, nói chuyện. Từ những buổi gặp mặt như thế, mình và các bạn lại hiểu nhau hơn, bản thân cũng được trau dồi thêm một lượng kiến thức về văn hóa quốc tế”.

Kết hợp hoạt động tiếp cận trực tiếp
Bên cạnh lợi thế công nghệ và kỹ thuật số hiện nay, các bạn trẻ còn thực hiện tối ưu các hoạt động tiếp cận trực tiếp. Trong văn hóa Việt phục, việc lựa chọn hoạt động tiếp cận trực tiếp mang lại hiệu quả cao trong một cộng đồng nhất định.
Dự án “Phục vị nét Việt” là dự án truyền thông do nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện. Ngoài đăng tải nội dung với hình ảnh, video bắt mắt, nhóm sinh viên Báo chí cũng đã thực hiện những hoạt động tiếp cận trực tiếp ở những địa điểm du lịch.
Ngọc Linh - trưởng dự án “Phục vị nét Việt” chia sẻ: “Chúng tôi cử một bạn làm mẫu diện bộ Nhật bình để thu hút sự chú ý của du khách, từ đó giúp họ hiểu hơn về Việt phục. Đã có rất nhiều bạn trẻ biết đến và các du khách lớn tuổi đến từ các nước như Pháp, Anh, Hà Lan tỏ ra rất thích thú khi tìm hiểu”.

Hơn nữa, giá trị lịch sử - văn hóa trong Việt phục được thể hiện rõ nét thông qua các chi tiết tinh tế được thiết kế và sử dụng trên trang phục. Việc tổ chức trình diễn trang phục trên các con phố cũng là một phương pháp truyền tải hữu ích. Chương trình diễu hành “Bách Hoa bộ hành 2024” đã khẳng định sự quan tâm của công chúng tới giá trị văn hóa khi ghi nhận có khoảng 300 - 500 người tham gia.
Chị Lâm Minh, thành viên Ban tổ chức sự kiện “Bách Hoa bộ hành 2024” chia sẻ: “Chương trình không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà còn là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa những giá trị văn hóa Việt Nam với sự sáng tạo và khát khao khám phá của thế hệ trẻ.”
Giới trẻ là đối tượng chính trong hành trình phát triển văn hóa. Họ không chỉ kế thừa những giá trị truyền thống mà còn có khả năng biến tấu chúng theo cách phù hợp với xu hướng hiện đại.
Ngay trong sự kiện diễu hành “Bách Hoa bộ hành 2024” có thể thấy, điểm mới năm nay là sự xuất hiện xu hướng kết hợp nghệ thuật cosplay và văn hóa Việt phục trong cộng đồng giới trẻ. Một số bạn trẻ vừa có niềm đam mê với nghệ thuật cosplay vừa yêu thích trang phục cổ Việt đã thực hiện sự sáng tạo của mình bằng cách kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa.
Đánh giá hình thức quảng bá, chị Nguyễn Nga (24 tuổi, đồng sáng lập thương hiệu Thủy Trung Nguyệt) nhận định: “Để quảng bá tốt giá trị văn hóa, không chỉ dừng lại ở vấn đề đẩy mạnh các hoạt động văn hóa trực tiếp mà còn phải đẩy mạnh truyền thông. Sự kết hợp hai yếu tố này mới tạo ra được tính lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng, đặc biệt với các thế hệ tương lai”.
“Mình muốn hướng đến nhiều hơn các bạn người nước ngoài và các bạn Việt kiều chưa biết nhiều về văn hóa và Việt phục. Với đối tượng này, mình phải lựa chọn nội dung và ngôn ngữ sao cho phù hợp, đáp ứng được tính giải trí và nhân văn trong quá trình truyền tải”, Hồng Anh chia sẻ.