Sóc Trăng: SEQAP là đòn bẩy phát triển giáo dục

GD&TĐ - Với lộ trình 6 năm triển khai thực hiện SEQAP, Sở GD&ĐT Sóc Trăng tự tin và kỳ vọng khi dự án kết thúc, các trường thụ hưởng dự án vẫn sẽ duy trì bền vững các thành quả đạt được, mang kinh nghiệm và những bài học quý vận dụng tốt tại các trường ngoài SEQAP.

Đối với giáo dục vùng khó, bữa ăn bán trú hút học sinh đến trường và giữ chân các em ở lại trường (Ảnh minh họa - nguồn Internet)
Đối với giáo dục vùng khó, bữa ăn bán trú hút học sinh đến trường và giữ chân các em ở lại trường (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

SEQAP và những con số ấn tượng

“SEQAP đã mang lại hơi thở mới, diện mạo mới cho bộ mặt giáo dục tỉnh với việc đầu tư xây dựng phòng học, nhà đa năng; ngân sách địa phương đầu tư xây dựng thêm phòng học cho các đơn vị trường tham gia Chương trình; có sự tham gia tích cực, hiệu quả từ cán bộ, giáo viên, nhân viên và cộng đồng”. Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Tuyết Hà - Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng.

Kết thúc năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 9 huyện, 50 trường (với 111 số điểm trường) tham gia SEQAP. Trong đó, có 35 trường thuộc xã khó khăn, chiếm tỷ lệ 70%; có 24 trường thực hiện phương án T30, 26 trường thực hiện phương án T35 vượt chỉ tiêu đăng kí thực hiện T35.

Toàn tỉnh có 7.702 HS được thụ hưởng chế độ hỗ trợ của SEQAP (ăn trưa), trong đó, có 3.278 HS dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm tỷ lệ 42,56%. Có 19.137 HS được học cả ngày, chiếm tỷ lệ 100%; trong đó có 6.652 HS DTTS, chiếm tỷ lệ 34,76% /tổng số HS của 50 trường trong tỉnh tham gia SEQAP.

Số HS DTTS được học cả ngày là 30.420/ 44.735 đạt tỷ lệ 68% /tổng số HS DTTS. Riêng các trường tham gia SEQAP, 100% HS DTTS đều được học cả ngày (6.652/6.652 HS DTTS).

Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng Nguyễn Thị Tuyết Hà cũng cho biết: Ban quản lý SEQAP huyện chỉ đạo các trường được lựa chọn tham gia Chương trình SEQAP thực hiện học cả ngày (FDS) theo lộ trình chuyển dần hàng năm của Chương trình SEQAP tỉnh.

Theo đó, năm 2010 có 12 trường, năm 2011 có 25 trường, năm 2012 có 39 trường, năm 2013 đến 2016 có 50 trường, trong đó có 43 trường đăng ký thực hiện phương án T30, 07 trường đăng ký thực hiện phương án T35.

Kết thúc năm học 2015 – 2016, có 50/50 trường tổ chức được cho 100% HS tại tất cả các điểm trường học cả ngày, chiếm tỷ lệ 100% tổng số trường SEQAP của tỉnh. Có 61/61 điểm trường lẻ tổ chức cho 100% HS học cả ngày, tỷ lệ 100% các điểm lẻ.

Như vậy, con số các trường tham gia SEQAP liên tục tăng đều theo các năm học. Chất lượng giáo dục cũng được đánh giá là tỷ lệ thuận với tăng trưởng về số lượng học sinh tham gia Chương trình.

Về xếp loại chung học sinh: loại giỏi tăng từ 28,85% năm học 2010-2011 lên 35,28% năm học 2013-2014; điều đáng nói là các trường tham gia Chương trình của tỉnh trước đây đều là những trường khó khăn, yếu kém.

Năm học 2014-2015 và năm học 2015-2016, đánh giá theo TT 30/2014, HS đạt yêu cầu về phẩm chất, năng lực và hoàn thành các môn Tiếng Việt, Toán được giữ vững ở mức cao.

Kết quả HS lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học năm học 2015-2016 là 3.601 đạt tỷ lệ 99,97% (3.601/3.602). Trong đó HS học cả ngày đạt 100% so với TSHS HTCTTH (3.601 HS).

Kết quả SEQAP là đòn bẩy phát triển giáo dục

Không thể phủ nhận những giá trị tích cực mà SEQAP mang lại, góp phần thay đổi diện mạo giáo dục tại địa phương. Tuy nhiên, để duy trì bền vững và nhân rộng mô hình, Ngân hàng Thế giới (WB), Ban quản lý SEQAP và các cơ sở trường học đều thừa nhận đang chuẩn bị đối phó với nguy cơ học sinh bán trú bị giảm đi - ảnh hưởng đến mục tiêu 100% học sinh tham gia học 2 buổi/ngày khi việc hỗ trợ ăn trưa sẽ không còn sau khi Chương trình kết thúc.

Hỗ trợ kinh phí ăn trưa cho HS được đánh giá là một trong những điều kiện quan trọng ảnh hưởng đến công tác tổ chức bán trú, hút các em đến trường và giữ chân các em ở lại trường.

Tại Sóc Trăng, kết thúc năm học 2015-2016 có 100% (50/50 trường) trường tham gia SEQAP tổ chức cho HS ăn trưa tại trường sử dụng kinh phí SEQAP.

Sở GD&ĐT cho biết: Ngay năm học thứ 2 triển khai SEQAP, các cơ sở giáo dục đã thực hiện huy động các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ thêm HS ăn trưa ngoài SEQAP.

Năm học 2010 – 2011, có 100% học sinh ăn trưa tại trường và không có học sinh ăn trưa ngoài SEQAP. Đến hết năm học 2015 – 2016, con số học sinh ăn trưa ngoài SEQAP chiếm tỷ lệ 2,22%. Con số này còn khá khiêm tốn vì nguồn kinh phí hỗ trợ thêm cho HS ăn trưa ngoài SEQAP chủ yếu là xã hội hóa, đóng góp từ PHHS và các nhà hảo tâm.

Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng nhận định: Với 6 năm trải nghiệm thực tế, khi SEQAP kết thúc thì các điều kiện cơ bản mà Chương trình đầu tư vẫn còn nguyên giá trị. Đó là cơ sở vật chất, là nhận thức của phụ huynh, của cộng đồng đã được nâng cao, tạo nền móng cho sự đồng thuận cao về việc học cả ngày và ăn bán trú của học sinh. Các trường sẽ tiếp tục tổ chức dạy học cả ngày cho 100% HS và cố gắng duy trì bán trú ăn trưa cho các em nhà xa, hoàn cảnh khó khăn dù có thể sẽ gặp phải những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, cũng theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, qua vận động, thăm dò dư luận xã hội và cha mẹ học sinh về chuyển đổi mô hình dạy học một buổi sang dạy học cả ngày đã nhận được sự đồng thuận cao. Đa số phụ huynh đồng tình cho con em tham gia vào các hoạt động giáo dục của nhà trường theo nhu cầu và sở thích. Nhiều gia đình đóng góp kinh phí cho con em ăn trưa tại trường (những em không thuộc diện hỗ trợ của SEQAP).

Đồng thời nhà trường kết hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị xã hội trong và ngoài nhà trường hỗ trợ tốt cho các hoạt động của nhà trường khi chuyển sang FDS.

Để đạt được những bước tiến về chất lượng giáo dục, không thể không kể đến vai trò bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của SEQAP. Các đợt tập huấn theo các mô đun, giáo viên dạy học tại trường đã năng động hơn, xử lý giờ dạy linh hoạt hơn theo nhiều phương pháp, tạo nên những giờ học hấp dẫn và chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hà cho biết: Trong 6 năm thực hiện SEQAP, Sở đã tập huấn bồi dưỡng cho 1.669 lượt CBQL, 18.165 lượt GV ở tất cả các trường ngoài SEQAP đối với các huyện, thị xã tham gia SEQAP với 6 mô đun; được các trường tiểu học ngoài SEQAP đồng tình ủng hộ cao.

Qua các đợt tham gia đào tạo ngắn hạn của SEQAP giáo viên có nhận xét tích cực. Những nội dung tập huấn, nhất là mô đun dạy học tích cực, không chỉ có ý nghĩa đối với các trường SEQAP, mà lan tỏa ra các trường ngoài dự án.

“Để tạo thêm động lực duy trì bền vững các kết quả SEQAP, Bộ GD&ĐT cần có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho HS nghèo, HS vùng khó khăn; Cùng với các Bộ liên quan nên có chính sách cụ thể đối với cán bộ quản lý, giáo viên dạy học cả ngày. SEQAP Online nên nghiên cứu gọn hơn, dễ truy cập hơn; đặc biệt là phải cập nhật kịp thời thay đổi Thông tư đánh giá HS theo từng thời kỳ” - Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng nêu kiến nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ