Theo đó, tại khu vực phía Nam, các trường ĐH: Hoa Sen, Quốc tế Hồng Bàng, Văn Lang, Công nghệ TPHCM dự kiến mở khá nhiều ngành mới như y khoa, y học cổ truyền, điều dưỡng... Trước đó, tham gia đào tạo nhóm ngành này có các cơ sở tư thục khác như các Trường: ĐH Tân tạo, Võ Trường Toản, Nam Cần Thơ, Đại Nam, Nguyễn Tất Thành…
Việt Nam có nhu cầu lớn đối với nhân lực nhóm ngành sức khỏe, bởi đến nay nhiều khu vực tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân cực thấp như Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, nhất là một số lĩnh vực pháp y, giải phẫu, lao, phong, tâm thần… Tuyến y tế cơ sở đang trong tình trạng khủng hoảng thiếu nhân lực y tế dự phòng. Riêng với điều dưỡng, chăm sóc viên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng từng nhận định nước ta cần phải tăng cường đầu tư cho đào tạo, bởi nhiều khả năng đến năm 2030, nguồn nhân lực điều dưỡng trong nước sẽ thiếu khoảng hơn 50 nghìn người. Cùng với đó, nhu cầu nhân lực y tế cần cho xuất khẩu lao động không ngừng tăng trong các năm qua. Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn có đơn đặt hàng, tiếp nhận các thực tập sinh hộ lý, chăm sóc viên Việt Nam sang làm việc.
Nhu cầu nhân lực cao nên học sinh quan tâm hướng nghiệp vào nhóm ngành sức khỏe ngày càng nhiều trong những mùa tuyển sinh gần đây. Nghệ An, năm 2018 có tới 860 học sinh đăng ký vào Trường ĐH Y Hà Nội, 2.058 em vào ĐH Y khoa Vinh. Tình trạng thí sinh chọn nhóm ngành sức khỏe nhiều đã đẩy điểm chuẩn trúng tuyển ở nhiều trường cao chưa từng thấy, khiến không ít thí sinh mất cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích khi không đạt được điểm “khủng” từ 28 đến 30.
Trong bối cảnh thị trường nhân lực cần, số lượng thí sinh đăng ký cao nhưng cửa vào các trường y dược truyền thống quá hẹp, sự tham gia của khối tư thục trong đào tạo nhóm ngành sức khỏe rất đáng trân trọng. Đó không chỉ là quyền của nhà trường được luật định mà còn là trách nhiệm với xã hội, bởi đầu tư vào nhóm ngành sức khỏe chưa bao giờ là đơn giản.
Dĩ nhiên, sự quan tâm, e ngại của dư luận về chất lượng đào tạo xung quanh việc nhiều trường tư mở ngành sức khỏe không phải là không có căn cứ. Thực tế quá trình đào tạo nhóm ngành này cũng đã có những “con sâu” làm rầu nồi canh, chẳng hạn như việc chạy theo lợi nhuận tuyển sinh ồ ạt, “mượn đầu heo nấu cháo”, học chay, dạy chay… Nhưng nếu chỉ vì một vài “con sâu” mà kín cổng với các đơn vị tư thục nghiêm túc trong đào tạo nhóm ngành sức khỏe sẽ không giải quyết được bài toán nhân lực cho ngành y tế và xã hội, cũng như thực thi quyền tự chủ, bình đẳng của đại học.
Trong khi chưa có chuẩn chất lượng chung cho các trường đào tạo y khoa, nhiều trường tư thục đã đầu tư mở bệnh viện, phòng khám cho sinh viên thực hành. Cùng với sự nỗ lực của các trường, Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm thẩm định kỹ các điều kiện bảo đảm chất lượng khi mở ngành, giữ ngưỡng bảo đảm chất lượng tuyển sinh đầu vào, tăng cường công tác hậu kiểm…
Song song đó, phía ngành y tế cũng xác định lấy việc thi cấp chứng chỉ hành nghề là khâu đột phá để nâng cao chất lượng, dự kiến sẽ áp dụng từ 2024 khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực. Trong bối cảnh những giải pháp quản lý được vận hành nghiêm túc, đồng bộ hơn, người học ngày một thông minh, cạnh tranh chất lượng minh bạch hơn, chúng ta cũng đừng quá sợ các trường tư mở ngành sức khỏe.