82 năm kể từ ngày Florence Lawrence qua đời, đến nay mỗi khi nhắc lại, bà vẫn được coi là một trong những người đẹp tài năng có cuộc đời bi thảm nhất của điện ảnh thế giới.
Từng là minh tinh xuất hiện trong hơn 300 bộ phim nhưng tới khi mất, Florence không đủ tiền làm đám tang cho chính mình.
Máu nghệ thuật chảy trong người
Florence Lawrence tên thật là Florence Bridgwood, người Mỹ gốc Canada, sinh ngày 2/1/1886 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ của bà là nữ diễn viên kiêm nhà quản lý sân khấu kịch, chính vì thế, ngay từ nhỏ nữ minh tinh đã được định hướng đi theo con đường này.
Năm 6 tuổi, Florence Lawrence chính thức ra mắt công chúng với vai trò một diễn viên kịch. Mẹ bà vốn là người nghiêm khắc nên cũng nhờ điều này, Florence tiến bộ rất nhanh trong nghề. Nhưng cũng vì vậy, tuổi thơ của nữ diễn viên chìm trong tập luyện, thậm chí phải đánh đổi cả máu và nước mắt.
Một thời gian ngắn sau đó, mẹ của Florence nhận ra con gái đã mệt mỏi và không còn phù hợp với sân khấu kịch nên quyết định cho nữ diễn viên dừng lại.
Tới năm 1906, Florence Lawrence nhận được lời mời từ hãng phim của Thomas Edison với vai diễn con gái nhà thám hiểm Daniel Boone (Mỹ). Sự nghiệp màn ảnh rộng của Lawrence bắt đầu từ đây.
Chỉ một năm kể từ ngày lên sóng, tên tuổi của Florence đã lọt mắt xanh của không ít đạo diễn. Florence xuất hiện trong 40 phim câm lớn nhỏ và trở thành một trong những diễn viên nổi tiếng của Mỹ thời bấy giờ.
Không chỉ sở hữu tài năng nghệ thuật bẩm sinh, nữ diễn viên còn được nhận xét có ngoại hình nổi bật, ăn ảnh.
Một trong những tác phẩm để đời của Florence là Biograph Girl của đạo diễn D.W.Griffith - người được mệnh danh "ông tổ Hollywood". Sau thành công của Biograph Girl, nữ diễn viên tìm kiếm nhiều cơ hội ở các bộ phim khác. Điều này đã khiến Grifith nổi giận, ông cho rằng Florence vô ơn và lập tức sa thải cô.
Tuy nhiên, khi rời khỏi "ông tổ Hollywood", sự nghiệp của Florence vẫn trên đà thăng tiến. Cô được Carl Laemmle của Independent Motion Picture mời gọi và trở thành "con cưng" của Laemmle.
Điều này một lần nữa khiến Griffith bực bội, ông tung tin đồn rằng Florence đã mất do tai nạn. Tuy vậy, cũng nhờ tin đồn này, nữ diễn viên trở thành ngôi sao hạng A.
Lợi dụng thời cơ khi khán giả Mỹ đang đau xót trước thông tin nàng Biograph Girl qua đời, Laemmle để Florence xuất hiện trước đông đảo khán giả tại St. Louis. Chỉ sau một đêm, nữ minh tinh trở thành ''ngôi sao điện ảnh đầu tiên trên thế giới".
Cô kiếm được nhiều khoản tiền khổng lồ từ danh xưng này, liên tiếp xuất hiện trong các dự án điện ảnh lớn nhỏ. Từ khi hợp tác với Laemmle, Florence góp mặt trong hơn 300 bộ phim.
3 cuộc hôn nhân không hạnh phúc trước khi tự sát
Khi sự nghiệp đang ở thời kỳ đỉnh cao, năm 1908, Florence Lawrence lên xe hoa với diễn viên Harry Solter. Solter rất yêu thương vợ nhưng mắc chứng hay ghen, ông thường xuyên dọa tự vẫn và nghi ngờ vợ. Điều này khiến nữ diễn viên cảm thấy ngột ngạt và nhiều lần nói chia tay.
Sau một thời gian ly thân, Solter luôn năn nỉ quay lại, thậm chí liên tục dọa sẽ tự vẫn nếu vợ bỏ đi. Năm 1912, cặp đôi tái hợp. Năm 1914, Florence bị thương trong một cảnh quay phim. Không lâu sau đó, bà dũng cảm xông vào một vụ hỏa hoạn để cứu người.
Được mệnh danh là nữ anh hùng nhưng sự nghiệp của Florence cũng xuống dốc kể từ đây do vết sẹo bỏng lớn để lại trên cằm.
Cũng trong thời gian này, Florence ghi dấu tên tuổi và trở thành một chuyên gia về ôtô. Bà tự mua xe hơi, tìm tòi kiến thức và phát minh ra cánh tay xin đường, cho phép tài xế báo cho những người xung quanh biết hướng mình muốn rẽ. Phát minh này chính là ngọn đèn dẫn đường cho những kiểu đèn xi-nhan bằng điện sau này.
Tuy vậy, bà đã không đăng ký bản quyền phát minh của mình nên về sau, tên tuổi Florence không có mặt trong các tài liệu về lịch sử của đèn xi-nhan.
Năm 1920, Lawrence li hôn Solter. Một năm sau, bà tái hôn với Charles Woodring. Năm 1929, mẹ Florence qua đời. Khi chưa nguôi nỗi đau mất mẹ, bà lại phải đối mặt với chuyện Woodring ngoại tình. Bà tiếp tục ly hôn.
Năm 1933, nữ diễn viên tái hôn với người chồng thứ ba - Henry Bolton. Đây là một gã nghiện rượu và bạo lực, không ít lần làm xấu mặt vợ trước đám đông. Ông này thẳng thắn đe dọa sẽ giết nếu Florence tố cáo mình. 5 tháng sau kết hôn, nữ diễn viên quyết định ly hôn.
Hôn nhân đổ vỡ, sự nghiệp đi xuống, cuộc đời nữ diễn viên bắt đầu những chuỗi ngày bi thảm. Đầu những năm 1930, bà chỉ còn kiếm được khoảng 75 USD/tuần.
Năm 1937, Lawrence mắc phải bệnh nan y. Bà bị đau nhức xương nghiêm trọng đến mức không cử động nổi. Căn bệnh này thời điểm đó khiến y học bó tay, không tìm được nguyên nhân.
Ngày 28/12/1938, khán giả Mỹ đau xót trước thông tin nữ diễn viên uống thuốc độc tự sát. Ngôi sao hàng đầu điện ảnh Mỹ ngày nào tới khi mất rất nghèo, không còn gì ngoài vài đồng bạc lẻ. Thậm chí, bà không đủ tiền làm đám tang cho chính mình.
Lúc ấy, Mary Pickford - người bạn thân từ thời đóng phim câm của nữ diễn viên đứng ra nhờ cậy Quỹ Cứu trợ Điện ảnh để tổ chức đám tang cho diễn viên xấu số. Tuy nhiên, quỹ này vẫn không đủ dựng tấm bia mộ tử tế cho Florence, nơi yên nghỉ của bà chỉ là nấm mồ vô danh.
Mãi tới năm 1991, nhà văn Mỹ gốc Anh tên Roddy McDowall đã bỏ tiền túi của ông để dựng tấm bia mộ cho Florence. Florence Lawrence: The Biograph Girl, The First Movie Star (Florence Lawrence: The Biograph Girl (tên bộ phim), Ngôi sao Điện ảnh Đầu tiên) là dòng chữ khắc trên tấm mộ của cố diễn viên.
Khán giả Mỹ nói riêng và khán giả thế giới nói chung vẫn mãi tiếc thương, nhắc về Florence Lawrence là một ngôi sao tài năng nhưng xấu số.