Số hóa tư liệu Hán - Nôm: Giải pháp bảo tồn hiệu quả

GD&TĐ - Di sản Hán - Nôm là một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại.

Các tư liệu Hán Nôm cần được lưu giữ, bảo tồn
Các tư liệu Hán Nôm cần được lưu giữ, bảo tồn

Di sản Hán - Nôm làm nên bản sắc riêng của văn hóa Việt, tạo nên sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, góp phần gìn giữ cho muôn đời sau những giá trị văn hóa, lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên theo thời gian, nguồn tài liệu cổ xưa, hiếm quý này đang đứng trước nguy cơ thất thoát, mai một.

Bảo vệ di sản quý của dân tộc

Nếu có dịp đến tham quan tại những di tích cổ như các đình, đền, chùa, nghè, miếu, nhà thờ tộc họ, nhà cổ,… hầu như chúng ta đều bắt gặp những di sản văn hóa Hán - Nôm.

Những văn bia, hoành phi, câu đối, cuốn thư được viết với lối phóng bút mềm mại như thể rồng bay phượng múa hoặc kiểu chữ chân phương sắc sảo, thể hiện ước vọng của người xưa về một cuộc sống ấm no, yên vui, hạnh phúc.

Qua các gia phả, sắc phong, tranh vẽ đã ngả màu theo năm tháng với những nét chữ viết bằng mực nho còn nổi bật trên nền giấy dó ố vàng rất mộc mạc, chúng ta như đang tìm về cội nguồn của những thư tịch cổ này.

Tuy nhiên, các Di sản Hán - Nôm hiện đang nằm rải rác ở các làng, xã và chịu sự tác động bào mòn của thiên nhiên, sự tác động vô tình của con người nên ngày càng bị mai một thất tán.

Cùng với đó, số người đọc được tài liệu cổ Hán - Nôm hiện nay còn ít nên rất nhiều nguồn tư liệu cổ chưa được khai thác một cách hiệu quả.

Trước nguy cơ các di sản Hán - Nôm bị hao hụt, mất mát theo thời gian, nhằm giữ gìn di sản Hán- Nôm của địa phương, thời gian qua, chương trình số hóa tài liệu Hán - Nôm đã được triển khai ở nhiều đình làng, dòng họ trên các tỉnh, thành.

Bằng phương pháp dùng các trang thiết bị hiện đại để sao chụp, scan các tài liệu Hán - Nôm, sau đó lưu giữ bằng các phần mềm công nghệ thông tin để phục vụ công tác tìm hiểu, nghiên cứu khoa học, nhiều trường hợp tài liệu gốc bị mất mát hoặc hư hỏng đã mang lại hiệu quả rất lớn.

Chẳng hạn như đình làng Điếu Ngao, TP Đông Hà (Quảng Trị), huyện Tiên Lữ và TP Hưng Yên (đều thuộc tỉnh Hưng Yên)… thay bằng việc phải chép tay các tài liệu Hán - Nôm, bây giờ các bản gốc được sao chụp và lưu giữ trong máy tính.

Đây là cách bảo quản, lưu giữ hiện đại và tiện lợi cho việc nghiên cứu, trao đổi góp phần bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa quý giá của dân tộc.

Giúp giới trẻ trân trọng giá trị di sản

Hiện nay, trong hoạt động du lịch, các di tích lịch sử - văn hóa trở thành điểm đến không thể thiếu trong các chương trình du lịch văn hóa.

Thực tế tồn tại hiện nay là đại đa số các hướng dẫn viên du lịch không biết chữ Hán - Nôm do không được đào tạo cơ bản. Họ gặp không ít khó khăn khi hướng dẫn thuyết minh cho du khách khi gặp các văn tự Hán - Nôm.

Vì thế, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình du lịch, hướng dẫn viên cần sử dụng các thông tin tri thức đã được số hóa để  truyền tải tốt hơn những thông điệp từ quá khứ của cha ông để lại, giúp cho du khách hiểu thêm, yêu thêm và mong muốn quay trở lại.

Gần đây, việc đưa môn Hán - Nôm vào chương trình học phổ thông vẫn còn nhiều tranh luận song điều được đồng thuận ngay từ đầu là cần phải làm cho học sinh biết trân trọng giá trị và hứng thú với kho tàng di sản văn hóa Hán Nôm của cha ông để lại.

Nuôi dưỡng được nguồn yêu thích này, các em sẽ có những lựa chọn chuyên sâu hơn trong giai đoạn học tập tiếp theo ở các bậc đại học, sau đại học.

Việc bảo tồn di sản văn hóa Hán - Nôm chính là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc nói chung. Hơn nữa, việc nghiên cứu Hán - Nôm còn biểu lộ sự trân trọng đối với di sản tinh thần của các bậc tiền nhân để lại, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình nước ta hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, những thành tựu của nghiên cứu Hán - Nôm sẽ là cơ sở khoa học và là tư liệu cần thiết cho các ngành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa và những ai có nhu cầu tìm hiểu về vùng đất và con người trong tiến trình lịch sử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ