Số hóa di sản nhìn từ "Bắc nhịp tang bồng"

GD&TĐ - Số hóa di sản không chỉ là xu hướng mang tính quốc tế, mà còn là cách để gìn giữ giá trị ngàn xưa.

Sản phẩm số hóa cần phải được lan toả tới người dân.
Sản phẩm số hóa cần phải được lan toả tới người dân.

Tuy khái niệm “số hoá di sản” không còn xa lạ, nhưng ở nước ta công việc này ít được cụ thể hoá. Nhiều dự án mang tính chung chung, chạy theo tiến độ thời gian, ít có tính lan toả trong cộng đồng để mọi người cùng hiểu giá trị di sản.

Kể chuyện quá khứ bằng công nghệ

Năm 2016, nhóm VR3D thành công với việc số hóa di tích quốc gia đình Tiền Lệ (Hoài Đức - Hà Nội). Sau đó, nhóm tiếp tục thực hiện hàng loạt dự án số hóa di sản như di tích chùa Hưng Ký (Hà Nội), bảo vật quốc gia tượng A Di Đà (Bắc Ninh), đền Độc Bộ (Nam Định), đền Bảo Hà (Lào Cai)…

Đại diện VR3D cho biết, số hóa 3D cũng như mọi ngành nghề khác, làm tạm với chất lượng thấp thì dễ, đạt tới độ hoàn hảo cao là rất khó. Cần phải làm chủ một quy trình công nghệ đồng bộ, xuyên suốt từ các thiết bị quét qua các quá trình xử lý hậu kỳ, tối ưu, nén, mã hóa... rồi đến nền tảng phần mềm lưu trữ và trưng bày trực tuyến.

Trong những năm qua, ngành di sản văn hoá đã thực hiện loạt dự án số hoá. Tuy nhiên, đa số mang tính nhiệm vụ, ít có sự lan toả đến để công chúng hiểu được các giá trị di sản khi được số hoá.

Có thể nói gần đây, chuỗi sự kiện triển lãm “Bắc nhịp tang bồng” diễn ra tại Hà Nội đã thu hút đông đảo giới trẻ hơn cả. Kết thúc vào giữa tháng 5/2022, nhưng dư âm số hoá di sản mà dự án đem lại đã thực sự “gieo mầm” cho các ý tưởng mới.

“Bắc nhịp tang bồng” với sự góp mặt của KTS. Đinh Việt Phương – người nhiều năm kinh nghiệm làm việc trên những chất liệu văn hoá dân gian. Điển hình là bộ truyện tranh “Đất Rồng” từng gây chú ý khi giành giải Đồng tại Giải thưởng truyện tranh Manga quốc tế lần thứ 6, do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức.

Gần đây nhất, anh và đội ngũ phục dựng nguyên bản pho tượng Quan âm Thiên thủ Thiên nhãn tại chùa Báo Ân bằng công nghệ in 3D, kết hợp cùng sơn son thếp vàng truyền thống.

KTS. Đinh Việt Phương cho rằng: “Số hóa di sản chính là việc đầu tiên để mình bước một chân vào việc gìn giữ, quảng bá giá trị di sản. Bất cứ một sản phẩm văn hóa nào, điều đầu tiên cũng cần là tư liệu”.

“Công nghệ số hóa là hệ thống các giải pháp số hóa, chứ không phải một giải pháp. Khi tiếp cận một loại hình di sản nào, thì sẽ phải có biện pháp số hóa và hệ thống các công cụ số hóa cho loại hình di sản ấy một cách cụ thể nhất”, KTS. Đinh Việt Phương diễn giải.

Cũng theo chia sẻ của anh, số hóa di sản là cách để chúng ta có thể kể câu chuyện quá khứ bằng công nghệ, dùng công nghệ làm cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống tạo nên nét thu hút rất riêng, dễ dàng tiếp cận và khơi dậy sự yêu thích, tìm hiểu.

Cụ thể bằng hình ảnh, cách tiếp cận, cách chia sẻ lan toả của “Bắc nhịp tang bồng” đã giúp nhiều người hiểu cơ bản về số hóa di sản. Thông qua công nghệ, người dân có thể chung tay tiếp thêm sức trường tồn cho văn hóa truyền thống chỉ bằng một động tác đơn giản là “ấn nút” chia sẻ.

Số hóa di sản cần phải được cụ thể từng dữ liệu, từ tổng thể tới chi tiết.

Số hóa di sản cần phải được cụ thể từng dữ liệu, từ tổng thể tới chi tiết.

Để số hoá lan toả giá trị

“Nhiệm vụ của các bảo tàng, cơ quan quản lý văn hóa là cần thông tin đầy đủ mục đích và lợi ích của việc số hóa di sản. Đồng thời, việc mời cộng đồng tham gia trực tiếp vào quá trình số hóa cần được thực hiện một các nghiêm túc và thân thiện”. - ThS. Nguyễn Hải Ninh, Cục Di sản văn hóa.

Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030”. Trong quá trình thực hiện, công nghệ kỹ thuật số được coi là cánh tay đắc lực để lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Việc áp dụng công nghệ mới và thực hiện số hóa có chi phí thấp hơn nhiều so với các phương pháp bảo tồn khác nhưng tính trực quan, độ tin cậy cao. Thêm vào đó, các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá nhanh chóng thông qua mạng Internet, không giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ…

Số hóa di sản đang ngày càng khẳng định vị trí vững vàng của một phương pháp bảo tồn, lưu giữ di sản phù hợp. Điều đó góp phần quan trọng trong quản lý, cung cấp thông tin, vị trí địa lý, giúp giới học thuật làm cơ sở nghiên cứu lịch sử, khảo cổ.

Với người trẻ, thực hiện số hóa các sản phẩm của làng nghề truyền thống, các trang phục cổ Việt, thương mại điện tử trên nền tảng web ba chiều, xem và tương tác mua bán sản phẩm... vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa tạo nên những sản phẩm mang tính ứng dụng cao.

Diễn ra hơn một tháng tại Hà Nội, “Bắc nhịp tang bồng” thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ. Không chỉ cung cấp những thông tin về lịch sử các loại hình nghệ thuật truyền thống, sự kiện mà còn thúc đẩy công chúng hào hứng tìm hiểu các bộ môn nghệ thuật dân tộc. Đặc biệt, họ sẵn sàng chia sẻ các sản phẩm số hoá tới bạn bè, người thân.

Ở các địa phương, Nghệ An cũng khá thành công trong việc số hoá. Khu di tích Kim Liên đã có hệ thống phần mềm hỗ trợ nghiệp vụ số hóa tư liệu. Bảo tàng Nghệ An đã số hóa 360º phòng trưng bày và cho phép tham quan 360º phòng trực tuyến trên website.

Đẩy nhanh số hoá, tiếp cận từ nhiều phía nhưng câu chuyện số hoá di sản vẫn đầy gian nan. Nhiều di tích liên tục “khoác áo mới” khiến việc số hoá và thực tế “vênh nhau”. Đặc biệt, hoàn thành số hoá rồi để đấy, không có cách lan toả giá trị khiến sản phẩm số hoá “chết lâm sàng”.

Số hoá di sản văn hoá là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên giới nghiên cứu cho rằng, để người dân biết được sản phẩm ấy còn quan trọng hơn. Văn hoá chỉ có thể được lan toả khi người dân được biết, được chia sẻ để cùng quan tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ