Tiện ích với công nghệ số hóa
Một thực trạng mà mọi người đều dễ nhận thấy, đó là sự đìu hiu vắng vẻ của các bảo tàng hiện nay. Ngoài một số bảo tàng như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ thu hút khá đông lượng du khách đến thăm quan, còn nhiều bảo tàng ở Hà Nội lượng khách ghé thăm khá khiêm tốn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cách thức tổ chức hoạt động chưa phong phú, mặt khác các hiện vật trưng bày còn nghèo nàn chưa hiệu quả.
Để du khách trong và ngoài nước quan tâm và tìm đến với Bảo tàng cần phải có những phương thức mới trong việc tiếp cận, quảng bá. Ý tưởng số hóa các hiện vật tại Bảo tàng là một cách thức hay mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng rất thành công.
Là một trong những người gắn bó với hoạt động bảo tàng lâu năm, Thạc sĩ Ngô Thế Bách cho biết: Nếu ai đã từng một lần đến châu Âu hay Hoa Kỳ ấn tượng về các trưng bày đa truyền thông tương tác thực sự tuyệt vời.
Ở bảo tàng Văn hóa Thế giới (Thụy Điển), người ta sử dụng nhiều các hình ảnh động như video, hay các thước phim được trình chiếu trên màn hình; các bản chú thích được thể hiện bằng 3 ngôn ngữ là tiếng Thụy Điển, tiếng Anh và tiếng Đức.
Các màn hình cảm ứng giúp cung cấp thêm thông tin về hiện vật và các bộ sưu tập được xem là một trong những phương tiện truyền thông tương tác phổ biến nhất, giúp hỗ trợ công tác giới thiệu hiện vật và trưng bày tại bảo tàng.
Không cần phải đến tận Paris để tới thăm Bảo tàng Louvre, hay tới New York để ghé thăm Bảo tàng Nghệ thuật đương đại, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật và các hiện vật có một không hai trên thế giới thông qua Internet tại ngôi nhà của mình.
Cần mạnh dạn thử nghiệm
Ngay từ năm 2010, Thủ tướng đã ra Quyết định số 688/QĐ-TT phê duyệt Đề cương tổng quát nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trong đó có nêu rõ:
“Để quản lý và khai thác tài liệu, hiện vật một cách hiệu quả phục vụ công tác trưng bày và các hoạt động của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, công tác tư liệu hoá, số hoá phải sớm được tiến hành”.
Song trên thực tế, Bảo tàng Dân tộc học mới là một trong những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam thể nghiệm vấn đề số hóa trong việc lưu trữ và tuyên truyền quảng bá tới công chúng (từ tháng 1/2005).
Hiện nay, để gìn giữ và phát huy tối đa giá trị di sản, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức số hóa và ứng dụng công nghệ 3D vào bảo quản các sưu tập hiện vật quý mà bước đầu là 14 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại bảo tàng.
Quy trình thực hiện số hóa được Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện qua 3 công đoạn chính gồm: Số hóa các hiện vật; Lập trung tâm dữ liệu để quản lý khai thác thông tin hiện vật một cách thuận tiện, đảm bảo an toàn thông tin hiện vật đã được số hóa; Tổ chức việc cung cấp thông tin của hiện vật đã được số hóa phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu; Trưng bày ảo phục vụ khách tham quan tại bảo tàng hoặc thông qua mạng Internet và các phương tiện khác.
Kết quả điều tra cho thấy: Có tới 78% các đơn vị sử dụng máy tính chỉ để cho mục đích đánh văn bản; 3% các đơn vị sử dụng các ứng dụng phần mềm máy tính trong việc quản lý hiện vật, sưu tập hiện vật, khách tham quan, lưu trữ thông tin và tài chính. Có không nhiều trong số hơn 120 bảo tàng ở Việt Nam có trang web riêng. Những bảo tàng không có trang web riêng cũng giống như việc bỏ lỡ những cơ hội quảng bá hình ảnh tới khách tham quan.