Đặc biệt, nếu trong nhà có nuôi chó mèo thì nguy cơ này càng cao.
Khi thời tiết chuyển từ mùa đông sang mùa xuân hè, không khí nóng ẩm thì rất có thể bạn sẽ bị bọ chét tấn công. Đặc biệt, nếu trong nhà có nuôi chó mèo thì nguy cơ này càng cao.
Bọ chét là tên gọi chung của loài ký sinh trùng không cánh có tên Siphonaptera. Bọ chét sống ký sinh trên vật chủ là những động vật máu nóng có vú và loài chim.
Ở nước ta, bọ chét thường gặp ở những vật nuôi là chó mèo. Bọ chét có thể lây từ vật chủ sang người và chuyển sang sống ký sinh trên người.
Hiểu biết về loại ký sinh trùng này là điều rất quan trọng, bởi chúng có thể gây bệnh và làm vật trung gian cho một số căn bệnh truyền nhiễm ở người.
Con bọ chét và trứng của nó được ép từ da ở bàn chân một số người bị nhiễm - Ảnh: Daily Mail
Theo các nhà sinh vật, vòng đời của bọ chét khoảng 20 đến 35 ngày phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm của môi trường. Bọ chét phát triển trong điều kiện nóng ẩm, thích hợp ở nhiệt độ 21-35oC và độ ẩm 70- 85%.
Tuy nhiên, ở nhiệt độ phòng, bọ chét có thể tồn tại và phát triển quanh năm. Ở miền Bắc nước ta thì bọ chét phát triển nhiều vào tháng 2 tháng 3 khi thời tiết chuyển từ mùa đông sang mùa xuân hè.
Bọ chét có thể ký sinh trên da người khi chúng đang ở giai đoạn trưởng thành. Đặc biệt, khi bạn trở về nhà sau một thời gian dài đi du lịch hoặc chuyển đến nhà mới ở, cũng là lúc nhiều bọ chét xuất hiện.
Bọ chét gây bệnh và truyền bệnh như thế nào?
Bọ chét đốt người, hút máu và gây bệnh sẩn ngứa, để lại di chứng là: các sẩn huyết thanh kích thước 1-2mm, gờ cao hơn mặt da, đỉnh chóp sẩn có mụn nước nhỏ, rất ngứa.
Những trường hợp phản ứng mạnh có thể thấy hiện tượng viêm tấy đỏ lan toả xung quanh sẩn.
Thương tổn thường gặp ở phần da hở hoặc ở những vùng da tiếp xúc trực tiếp với con vật khi người ta ôm, bế chúng như: Vùng cổ, mặt, tay, chân, vùng quanh thắt lưng.
Ngoài ra, bọ chét có thể là vật chủ trung gian truyền một số bệnh dịch, bệnh sốt kéo dài từ chuột sang người. Bọ chét mèo và chó truyền bệnh sán dây từ vật chủ này sang vật chủ khác.