Sở GTVT Hòa Bình tối ưu hóa nguồn vốn bảo trì đường bộ

GD&TĐ - Sở GTVT tỉnh Hòa Bình triển khai nhiều biện pháp nhằm tối ưu hóa nguồn vốn bảo trì đường bộ khi số công trình xuống cấp, hư hỏng cần sửa chữa.

 Do nguồn vốn bảo trì đường bộ eo hẹp, Sở GTVT tỉnh Hoà Bình luôn linh hoạt trong việc duy tu, sửa chữa đường.
Do nguồn vốn bảo trì đường bộ eo hẹp, Sở GTVT tỉnh Hoà Bình luôn linh hoạt trong việc duy tu, sửa chữa đường.

Nâng cao chất lượng sửa chữa các công trình

Hòa Bình có 6 tuyến Quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 322 km cùng với hệ thống đường tỉnh, huyện và giao thông nông thôn hơn 10.000km, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn giữa các vùng, miền. Việc kịp thời bảo trì, sửa chữa mạng lưới đường bộ đã góp phần duy trì tình trạng kỹ thuật, nâng cao "tuổi thọ" và khả năng khai thác của các tuyến đường. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

Hiện nay, 100% các tuyến đường tỉnh, đường huyện đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Tuy nhiên, cấp kỹ thuật còn thấp. Vì vậy, tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nền, mặt đường… nhằm kéo dài thời gian sử dụng của công trình. Góp phần để phương tiện giao thông đi lại được an toàn, thông suốt, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như các địa phương.

Ông Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hoà Bình cho biết: "Nhằm nâng cao chất lượng sử dụng nguồn vốn trong bảo trì đường bộ, trong quá trình các nhà thầu triển khai thi công, lực lượng tư vấn giám sát của Sở đã chủ động bám sát hiện trường. Đồng thời, Sở rà soát, phát hiện những điểm bất cập để đề xuất, báo cáo chủ đầu tư xử lý nhằm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và tiết kiệm chi phí đầu tư".

Bên cạnh đó, Sở GTVT tỉnh Hòa bình cũng tăng cường giám sát, thí nghiệm nguồn vật liệu đầu vào, cương quyết loại bỏ những vật liệu không đảm bảo hoặc không phù hợp; kiểm tra dây chuyền, công nghệ thi công phù hợp yêu cầu từng hạng mục công việc.

Sở GTVT tỉnh Hoà Bình luôn chú trọng công tác bảo trì đường bộ.

Sở GTVT tỉnh Hoà Bình luôn chú trọng công tác bảo trì đường bộ.

Theo ông Hậu, bên cạnh công tác bố trí nguồn vốn cho sửa chữa định kỳ hàng năm, Sở còn thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, như: Xử lý điểm đen, khắc phục hậu quả do lụt bão, tăng cường an toàn hệ thống giao thông đường bộ, sửa chữa mặt đường đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân...

Công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ được thực hiện trên các tuyến Quốc lộ ủy thác và đường tỉnh quản lý đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng sau nghiệm thu đưa vào sử dụng. Qua đó, tạo sự thay đổi đáng kể cũng như kéo dài “tuổi thọ” các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.

Linh hoạt trong việc tối ưu hóa nguồn vốn bảo trì

Hiện nay, Sở GTVT tỉnh Hoà Bình đang triển khai các dự án như: Sửa chữa Quốc lộ 2; xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông dốc Cun đoạn Km 78+420 - Km 85+100 Quốc lộ 6; sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và công trình thoát nước đoạn Km 24+26, đường Trường Sơn A; sửa chữa ngầm đồng Nu tại Km14+120, ĐT449...

Việc sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường cho phù hợp với cấp đường quốc gia để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Cùng với đó, tạo điều kiện phát triển giao thương, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần xoá nghèo bền vững.

Đường xá được sửa chữa và nâng cấp tạo điều kiện cho bà con đi lại tiện lợi.

Đường xá được sửa chữa và nâng cấp tạo điều kiện cho bà con đi lại tiện lợi.

Theo ông Hậu, do nguồn vốn Trung ương và địa phương còn hạn chế nên không thể cùng một lúc đầu tư đồng bộ, làm đều trên tất cả các tuyến. Vì vậy, hoạt động bảo trì đường bộ chia làm 2 lĩnh vực: bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ.

Các hoạt động bảo dưỡng thường xuyên gồm: phát cây, cắt cỏ, đào rãnh, vệ sinh mặt đường, dặm vá ổ gà... Sửa chữa định kỳ gồm: lập dự án đầu tư nâng cấp, sửa chữa khi đường và cầu cống có hư hỏng lớn.

"Hai hoạt động này bổ trợ cho nhau, nhưng thực tế nguồn vốn bố trí mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu. Để đảm bảo chất lượng tuyến đường, Sở phải chủ động lựa chọn làm trước vị trí hư hỏng nặng, tuyến trục chính, khu vực đông dân cư, để bảo đảm cho người dân đi lại thông suốt và an toàn" - ông Bùi Đức Hậu chia sẻ.

Những năm qua, công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông được lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Hoà Bình đặc biệt quan tâm. Sở thường xuyên tăng cường chỉ đạo, đưa nhiều giải pháp linh hoạt và đồng bộ, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Cùng với đó, Sở tập trung rà soát xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về ATGT, sắp xếp tổ chức giao thông tại các vị trí trọng yếu một cách linh hoạt, khoa học, sát với đời sống.

Đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ trên các tuyến, Sở yêu cầu tập trung xử lý, sửa chữa ngay những vị trí bị hư hỏng, nơi được người dân phản ánh. Quá trình triển khai thi công, Sở chỉ đạo các đơn vị liên quan áp dụng linh hoạt biện pháp, phương pháp tổ chức thi công kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công trình, phục vụ người dân đi lại thuận lợi và an toàn.

Sở GTVT Hòa Bình đang triển khai khoảng 10 dự án sửa chữa định kỳ với tổng mức đầu tư trên 223 tỷ đồng (bao gồm dự án chuyển tiếp năm 2022). Trong năm 2023, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình được giao dự toán chi 212,7 tỷ đồng cho công tác bảo trì. Đến nay, mới giải ngân được 93,8 tỷ (đạt 44%), tỷ lệ nghiệm thu đạt 31,5%. Hiện Sở GTVT Hòa Bình đang chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ với cam kết giải ngân 100% vốn giao theo kế hoạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.