Sinh viên y khoa xông pha nơi tuyến đầu chống dịch

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, nhiều cơ sở đào tạo y dược khu vực phía Bắc đã sẵn sàng lên đường hỗ trợ, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh dập dịch. Ảnh: TG
Sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh dập dịch. Ảnh: TG

Đâu cần thanh niên có

8 trường đại học y khoa phía Bắc thuộc Bộ Y tế, với hơn 2.200 sinh viên, cán bộ, giảng viên đủ điều kiện, sẵn sàng lên đường hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch Covid-19. Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam đã huy động 239 cán bộ, giảng viên và sinh viên lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh dập dịch. TS Trần Anh Tuấn – giảng viên Bộ môn Nội, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trưởng đoàn hỗ trợ cho biết: Đoàn đã xuất quân sáng 21/7. Các hoạt động hỗ trợ chủ yếu là: Truy vết và lấy mẫu xét nghiệm.

“Tuỳ theo địa phương phân công, đoàn công tác sẽ đáp ứng tất cả công việc, kể cả phục vụ trong khu cách ly. Tinh thần là: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, chúng tôi nguyện đem sức trẻ và kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ để cùng với TP Hồ Chí Minh sớm đẩy lùi dịch bệnh. Sau TP Hồ Chí Minh, bất cứ địa phương nào cần, chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ” – TS Trần Anh Tuấn quả quyết.

PGS.TS Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam nhấn mạnh: Hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng chống dịch bệnh là tinh thần trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện đối với ngành Y, rộng hơn là với Tổ quốc. “Thành công của đợt hỗ trợ tỉnh Bắc Giang là tiền đề quan trọng để chúng tôi tin tưởng và quyết tâm hỗ trợ hiệu quả cho TP Hồ Chí Minh” - PGS.TS Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, trước khi lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh dập dịch, Học viện đã tổ chức củng cố kiến thức, tập huấn, hướng dẫn cách lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, cách mặc và cởi bỏ đồ bảo hộ, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi cán bộ, giảng viên, sinh viên vào tâm dịch. Học viện đã tổ chức tiêm vắc-xin và xét nghiệm Covid-19, đảm bảo sức khoẻ tốt và an toàn cho các thành viên.

Sáng 20/7, 301 cán bộ, giảng viên Trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống Covid-19. Ảnh: NTCC
Sáng 20/7, 301 cán bộ, giảng viên Trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống Covid-19. Ảnh: NTCC

Sẵn sàng vào điểm “nóng”

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Huy, dự kiến đoàn sẽ đến huyện Củ Chi và bắt tay ngay vào công việc. Những ngày tiếp theo sẽ đến các điểm nóng về dịch Covid-19, dưới sự phân công, điều phối của ngành Y tế địa phương.

350 cán bộ, viên chức, học viên và sinh viên của Trường ĐH Y Hà Nội đã lên đường hỗ trợ tỉnh Bình Dương phòng chống Covid-19. GS.TS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng trường cho hay: Đoàn chia làm 14 nhóm. Đây là đợt xuất quân chi viện có số lượng lớn nhất và xa nhất của Trường Đại học Y Hà Nội trong năm nay. Tất cả 350 cán bộ, học viên, sinh viên đã được tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và xét nghiệm âm tính với Covid-19. Nhà trường cũng tổ chức đào tạo, tập huấn bài bản về truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm và chăm sóc điều dưỡng bệnh nhân Covid-19 cho đoàn cán bộ, học viên và sinh viên.

Nhiệm vụ của đoàn chi viện lần này là điều tra dịch tễ, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 1 triệu dân ở 3 thành phố, 2 thị xã của tỉnh Bình Dương, tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại địa phương này. Đoàn sẽ làm việc theo sự chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương. Do đó, cán bộ, học viên và sinh viên tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo của địa phương. Đây cũng là dịp rất tốt để sinh viên trải nghiệm thực tế.

Là một trong 30 sinh viên năm thứ 5 thuộc ngành y học dự phòng, em Hà Tuấn Dũng vừa hết thời gian cách ly sau khi hoàn thành nhiệm vụ phòng chống dịch tại Bắc Ninh. Tuy nhiên, Dũng tiếp tục tình nguyện lên đường chi viện cho tỉnh Bình Dương.

“Em đã viết đơn xung phong tham gia tiếp đợt này. Đây là lúc chúng em thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước. Mong rằng, với năng lực chuyên môn đã được rèn luyện và qua những lần chống dịch ở Bắc Ninh, cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng em sẽ đóng góp một phần công sức nhỏ bé, để cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19…”, Dũng bày tỏ .

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên), 36 cán bộ, bác sĩ và 265 sinh viên viết đơn tình nguyện lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh dập dịch. Trong đó, có nhiều người vừa hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh chống dịch trở về. TS.BS Nguyễn Kiều Giang – Phó Hiệu trưởng nhà trường sẽ làm trưởng đoàn trong đợt này.

“Chúng tôi tin tưởng 301 tình nguyện viên sẽ phát huy tối đa những kiến thức, kĩ năng được đào tạo của mình, phát huy tinh thần vì cộng đồng, quyết tâm xông pha vào trận chiến đầy thử thách này, để cùng cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế quyết định huy động đội ngũ gần 10.000 nhân lực y tế của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và các địa phương khu vực miền Bắc, miền Trung hỗ trợ y tế TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch. Số lượng lớn cán bộ này sẽ thực hiện luân chuyển để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế nơi tuyến đầu chống dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.