59% cử nhân tin có ít cơ hội việc làm hơn trước
Thế giới đang đối mặt với một loạt thách thức như: Dịch Covid-19, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu... Trong bối cảnh đó, vấn đề duy trì và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và nâng tầm kỹ năng lao động cho thanh niên trẻ được xác định là trọng tâm.
Ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, có 50% lao động Việt Nam cần đào tạo, đào tạo lại. Lao động thanh niên là lực lượng lao động chủ chốt, sẽ là lực lượng đi đầu trong việc tiếp cận thông tin và đào tạo kỹ năng nghề, nhưng hiện nay vẫn còn ít được quan tâm.
Đồng thời, Covid-19 và cách mạng Công nghiệp 4.0 là “cú sốc kép” đối với thị trường lao động toàn cầu. Một mặt gây đứt gãy thị trường lao động, gia tăng thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ.
Mặt khác, hai cú sốc đã và đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm và kỹ năng nhằm thích ứng với những điều chỉnh mang tính cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu. Việc làm bị mất đi trong những ngành công nghiệp cũ đã lạc hậu dự báo sẽ được thay thế bằng việc làm mới đang ngày càng phát triển. Vì vậy, triển vọng việc làm của sinh viên mới ra trường hiện đang đối mặt với những thách thức lớn.
Các tân cử nhân đang cùng chung nỗi lo với những người phải nghỉ việc vì cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Họ không chỉ phải cạnh tranh với nhau như những năm trước, mà còn phải cạnh tranh với những người đã có kinh nghiệm trong thị trường việc làm. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành du lịch, khách sạn gần như không hoạt động, khiến sinh viên mới tốt nghiệp không xác định được công việc trong tương lai.
Theo Adecco (công ty cung cấp nguồn nhân lực và nhân sự tạm thời), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện có gần 39% doanh nghiệp giảm nhu cầu tuyển dụng sinh viên mới ra trường. Họ còn chỉ ra rằng, hiện có hơn 59% các tân cử nhân tin rằng hiện nay có ít cơ hội việc làm hơn trước. 41,8% lo ngại về việc thiếu kiến thức thực tế và 40% nói rằng họ có ít cơ hội tiếp cận nhà tuyển dụng hơn.
Trong khi đó, 43% tân cử nhân xem tình huống này là cơ hội để nâng cao kỹ năng và kiến thức. 33,6% xem xét lại mục tiêu nghề nghiệp, và một tỷ lệ tương tự sử dụng thời gian này để cân nhắc sự nghiệp trong lĩnh vực khác...
Bị loại vì yếu kỹ năng
Có thể thấy, trước những ảnh hưởng do dịch Covid-19 để lại, một cuộc khủng hoảng nghề nghiệp cho các tân cử nhân đang đến gần. Thị trường việc làm được dự đoán sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt hơn bởi nguồn cung nhân lực từ phía các trường cao đẳng, đại học luôn ở mức ổn định. Trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động từ phía các doanh nghiệp đang có chiều hướng chững lại do phải cân đối nhân sự.
Tuy nhiên, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khẳng định: “Thị trường lao động tại thời điểm nào cũng có sự cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn sàng tiếp nhận lao động chưa có kinh nghiệm vào làm việc. Không ít doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên mới ra trường để về đào tạo lại sao cho phù hợp với yêu cầu và phương thức hoạt động của họ. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với các tân cử nhân chính là họ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của lực lượng lao động mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua”.
Đối với lực lượng lao động trẻ, chuẩn bị ra trường, để thích ứng với hình hình mới, ông Vũ Quang Thành cho rằng, đầu tiên các bạn cần xác định rõ công việc mà mình mong muốn. Cần tìm hiểu sâu hơn về tính chất công việc xoay quanh vị trí việc làm sẽ ứng tuyển và sẵn sàng bước chân vào thị trường lao động. Bên cạnh đó, lao động trẻ cần nắm chắc Luật Lao động, chế độ, quyền lợi và nâng cao trình độ bản thân. Nhất là cần chú ý đến các kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống... để tự tin đón nhận và hoàn thành tốt công việc.
Ông Nguyễn Trung Thành - CEO công ty du học và tuyển dụng lao động nước ngoài chia sẻ: Nhiều sinh viên tốt nghiệp có bằng cấp rất ổn nhưng lại thiếu trầm trọng về kỹ năng mềm. Đây là điều vô cùng đáng tiếc khi phải loại những hồ sơ này. Kể cả sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc tăng cường kỹ năng mềm càng cần thiết. Bởi, ngay cả các lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật thì kỹ năng mềm giúp tạo ra sự khác biệt, nâng cao hiệu quả công việc và tăng khả năng thích ứng trước những thay đổi.
Ông Thành cũng cho biết thêm: Là đơn vị tuyển dụng nhân lực xuất khẩu lao động nước ngoài nên ưu tiên chọn nhân lực không chỉ giỏi về kiến thức chuyên môn, có tay nghề mà phải có cả kỹ năng mềm cơ bản. Ở một số quốc gia, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp tốt… giúp cho công việc đạt hiệu quả tối ưu. Hơn nữa, người có kỹ năng mềm tốt sẽ xử lý linh hoạt các vướng mắc, có kỷ luật lao động và trách nhiệm trong công việc. Điều này đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng khắt khe của thị trường lao động quốc tế.
Giảng viên Nguyễn Việt Vương, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh: Sinh viên cần rèn luyện để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai. Đó là tinh thần gắn bó, trân trọng và hết mình với nơi mình làm việc. Điều này cần trải qua một quá trình công tác. Tuy nhiên, chỉ một vài hành động nhỏ, nhà tuyển dụng cũng sẽ dễ dàng nhận ra tình cảm bạn dành cho công việc sắp tới.
Đồng thời, nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao tinh thần tự học, không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực bản thân. Trong một tập thể, việc đoàn kết với đồng nghiệp, tạo không khí vui vẻ, lạc quan trong tập thể cũng được coi trọng. Muốn vậy, trong giao tiếp cần tự tin, thành thục gắn liền với thành thực và phát huy kỹ năng làm việc nhóm, lập kế hoạch và thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra.