Sinh viên tìm hiểu về bảo vật quốc gia

Sinh viên tìm hiểu về bảo vật quốc gia

(GD&TĐ)-Hôm nay (9/1), hàng trăm sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cùng tham gia tìm hiểu về các bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam.

Sinh viên lắng nghe thuyết trình về các bảo vật. Ảnh: gdtd.vn
Sinh viên lắng nghe thuyết trình về các bảo vật. Ảnh: gdtd.vn

Tại đây, các sinh viên đã được tận mắt thăm quan, được nghe nguồn gốc xuất xứ của từng bảo vật, từ đó hiểu tại sao chúng được lựa chọn thành những bảo vật quý giá của quốc gia.

Hầu hết các sinh viên được tham gia đều tỏ ra rất hào hứng. Các bạn chia sẻ, nếu những buổi ngoại khóa tương tự được tổ chức thường xuyên hơn, chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ khơi dậy tình yêu đối với môn học Lịch sử nói riêng, đối với lịch sử, văn hóa của dân tộc nói chung.

Sinh viên Nguyễn Thị Quỳnh Nga –Khoa Quốc tế học Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) chia sẻ: Em là người rất yêu Lịch sử. Tham gia buổi tọa đàm về các bảo vật quốc gia ngày hôm nay, em không chỉ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp, sự quý giá của từng bảo vật mà còn rất bất ngờ, vui mừng bởi có nhiều bạn trẻ cùng tham gia như vậy. Điều này chứng tỏ, còn không ít các bạn trẻ hào hứng với lịch sử nước nhà. Nếu có nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn để kéo giới trẻ đến với lịch sử hơn, em nghĩ sẽ còn nhiều bạn trẻ yêu thích lịch sử hơn nữa.

Được biết, hiện Bảo tàng lịch sử quốc gia đang trưng bày 11 trong tổng số 30 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận.

Các bảo vật gồm: Trống đồng Ngọc Lũ (Văn hóa Đông Sơn), trống đồng Hoàng Hạ (Văn hóa Đông Sơn), thạp đồng Đào Thịnh (Văn hóa Đông Sơn), tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn (Văn hóa Đông Sơn), cây đèn đồng hình người quỳ (Văn hóa Đông Sơn), trống đồng Cảnh Thịnh (thời Tây Sơn), ấn đồng "Môn Hạ Sảnh ấn" (thời Trần), bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga (thời Lê Sơ); Cuốn "Đường Kách Mệnh", "Nhật ký trong tù", bản thảo "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" (của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ