Sáng sáng, nó dậy sớm đánh động như hò mọi người cùng thức dậy. Nó hay chun mặt lại khi lũ lười biếng chúng tôi thích ngủ hơn vận động thể dục buổi sáng.
Con bé hay bị phòng trọ gọi là “bà cụ non”. Nó hay giáo thuyết chúng tôi với bài ca nghe khó chịu hơn đọc cuốn giáo trình Triết học Mác – Lenin:
- Duy trì cuộc sống không phải bằng thức đêm chơi game, sáng ngủ bù mà phải biết có những điều tuyệt vời như thức dậy sớm chạy thể dục. Thể dục giúp chúng ta được khỏe khoắn, tăng cường máu lưu thông, giảm căng thẳng và chống lại lão hóa tuổi tác. Sao mọi người chẳng ai chịu vận động thế nhỉ?
Chúng tôi nằm trong chăn cười rúc rích bởi vẻ mặt hài hước như con Vân mà lại phát ngôn ra những triết lý kiểu bà già như vậy. Ừ, thôi kệ nó nói. Không ai dậy nó khắc sẽ để yên cho chúng tôi ngủ tiếp.
Phòng trọ chúng tôi có bốn đứa, cả trường Nhân văn và Tự nhiên. Con bé Vân học Nhân văn vốn là đứa nhí nhố nhất hội. Lúc nó đùa thì cả phòng chỉ còn nước quăng sách vở đi mà xúm xít lại hóng chuyện cười đùa với nhau. Có con nhỏ bạn ấy trong phòng cảm tưởng như “nuôi” thêm một “đứa trẻ con”. Nó vô tư thế thôi nhưng khéo léo, đảm đang và làm việc theo kế hoạch ra trò.
Con bé Vân cứ ngu ngơ chẳng để tâm cho việc gì vậy nên mỗi sáng vẫn hay um lên gọi chúng tôi hỏi có thấy chìa khóa nhà của nó ở đâu. Nó biết khắc phục nhược điểm này bằng cách đặt chìa khóa vào trong chiếc ví tiền để gọn trong túi xách.
Sáng sớm nó dậy sớm chạy bộ từ trường Nhân văn đến Ngã Tư Sở. Tính ra đường chạy cũng không hề ngắn. Chuyện chạy bộ của nó cứ diễn ra đều đặn như thế.
Linh là đứa lém nhất phòng trọ chúng tôi. Biết tính con Vân trẻ con hay dỗi, nó đùa một câu trong bữa cơm:
- Mày bỏ chạy bộ đi Vân ạ. Người gầy tong teo, ăn rồi chạy không béo nổi thì phí cơm gạo ra.
Con Ngân lại chen vào một câu:
- Mày nói thế mai nó không đi chợ, nấu ăn nữa cho coi.
Cả đám cười phá nên không ai để ý con Vân nước mắt vòng quanh bỏ bữa ra ngoài. Ban đầu chúng tôi cứ lo còn gọi điện, đi tìm nó dù là lấy lệ. Quen dần biết tính nó thế thì kệ nó giận.
Mỗi lần bực dọc ai đó trong phòng, nó hay bỏ ra ngoài chạy bộ cả buổi tối hoặc té qua nhà đứa bạn thân cùng lớp chơi. Lúc sau về nó lại kiếm chuyện luyên thuyên chứ không hề giận lâu. Nó chưa bao giờ “bỏ nhà qua đêm” cả nên dù muộn mấy tôi cũng cố thức đợi nó về mới ngủ.
Ở với nó đâm ra chúng tôi thành lũ lười. Sáng chạy thể dục tiện đường về nó mua đồ ăn cho cả ngày. Cơm nó nấu, nhà cửa nó dọn dẹp. Nhiều lần chúng tôi còn được nó tiện tay giặt hộ đôi bít tất hoặc bộ quần áo ngủ. Nó hay dỗi nhưng ít khi cáu gắt với bọn tôi.
Mùa thi năm nay căng thẳng hơn nhiều. Quy chế thi đề chẵn lẻ có độ vênh kiến thức đến bất công làm khổ con Vân lao vào ôn thi điên đảo. Nó hay ngồi thư viện hơn về phòng. Có một lần duy nhất tôi thấy nó cáu:
- Mùa thi ai cũng bận. Các bà cũng nên san sẻ việc nhà cùng tôi chứ. Ba con người ở nhà làm cái khỉ gì mà chăn chưa gấp và đống bát đĩa bẩn chưa cũng rửa? Là con gái, tốt nhất các bà nên biết ít nhiều công việc nhà. Nó không chỉ cần cho cuộc sống lúc này mà còn có lợi cho các bà khi có gia đình sau này. Các bà làm ơn đi.
Thú thật lúc đấy nghe nó nói mà tôi muốn lộn ruột lên nhưng cả ba đứa chẳng ai nói gì. Cứ thể tản ra mỗi đứa một việc. Nó điên tiết lắm mới thế chứ bình thường nó cũng hiền hòa ghê.
Sáng nay tôi thi 7h. Nó đánh thức tôi từ 6h. Nó cũng quan tâm tôi nhiều:
- Bà dậy sớm cho tinh thần được sảng khoái. Nhớ ăn sáng rồi hãy vào thi.
Nó dặn tôi đủ thứ khi làm bài thi. Không rõ nó đọc ở đâu mấy cái điều lạ đến kỳ cục ấy. Nghiễm nhiên, tôi cũng gật đầu dù biết mình chẳng làm được như nó dặn.
Hôm nay sương lạnh mù mịt trời, nó nghỉ chạy buổi nào thì lại cafe, đọc sách. Nó đọc đủ loại truyện nên cái đầu nó lắm chiêu lắm trò. Nó bảo: “Sách giúp mở mang tầm nhìn thế giới, thấu cảm những tâm hồn cùng tồn tại song tư duy không giống mình. Đọc sách để sáng tạo cái khác và loại bỏ những ý tưởng cũ kỹ, xáo mòn mà nhiều người ưa “bắt chước” nhau tạo thành “phong trào”.
6h30, Vân đẩy tôi ra khỏi nhà sớm nửa tiếng để ăn sáng. Mèn ơi, bữa nay còn xin “chân” mở cửa cho tôi đi gặp may mắn, được bạn bè xung quanh giúp đỡ chứ! Tôi buồn cười muốn củng đầu nó một cái mà chỉ sợ lỡ bị vỗ vai hay mắng lại thì đen nên tôi nén lại.
Có lẽ trong bốn đứa, tôi là đứa trầm tính nhất. Quanh quẩn gần hết đời sinh viên tôi chỉ biết đi học, ăn, ngủ, làm bài tập. Tôi có ít bạn và hầu như chẳng có cuộc gặp gỡ nào dài hơn ngoài lúc ngồi với nhau trên giảng đường. Chắc vì thế mà tôi thấy cuộc sống nhàm chán, buồn tẻ hơn dù Hà Nội vẫn cứ sôi động, đổi thay không ngừng.
Tôi với Vân như hai mặt trái của nhau vậy. Nó sôi nổi và linh hoạt bảo nhiêu, tôi lại trầm lặng và khép kín bấy nhiêu. Có khi tôi bỏ bữa chỉ vì bị học lại một môn. Tôi buồn vì những lý do chẳng đâu vào đâu.
Tôi không lãng mạn nên không có thú nhìn xuống dưới từ ban công. Chuyện tôi đứng đó một mình gây “chấn động” đến ai đó nếu họ thực sự quan tâm đến tôi. Đoán ra tôi có chuyện gì không vui, Vân đã kéo tôi vào cuộc dạo bộ. Chuyện chẳng có gì. Mẹ tôi ốm nằm viện mà tôi không về được vì thi kín lịch.
Thương mẹ, tôi chỉ khóc lóc và suy diễn đủ chuyện. Cuộc dạo bộ với Vân, tôi nghe nó chia sẻ nhiều hơn, cũng là tâm sự của những đứa con gái mới lớn như tôi hay gặp phải. Nó kể chuyện nó đã chán chường khi anh trai lấy vợ, tủi thân chuyện ba năm đại học chưa được người thân ở quê lên thăm, kinh hãi chuyện con trai bây giờ yêu chỉ vì ham muốn tầm thường,.. Tôi không nghĩ sau vẻ tươi tắn ấy cũng có khi nó buồn. Nó khoác vai tôi với vẻ nghiêm túc hiếm thấy nhất.
- Ở đời có lúc thế nọ thế kia. Không tránh được chuyện gì cả. Nghĩ cứ nghĩ nhưng một chút thôi. Nghĩ mà được tiền chắc tôi giàu nhất trong bốn đứa tụi mình. Bác gái ốm xoàng thôi ấy mà. Dù có chuyện gì cũng hãy nghĩ nó ở tình huống đơn giản nhất, lạc quan nhất hoặc quá kinh hoàng cũng nên học cách chấp nhận nó. Đừng làm mình bị chìm đi. Khi đó bà chỉ là tồn tại chứ không phải đang sống Mai ạ.
Mọi thứ dần thay đổi khi Vân quan tâm và chia sẻ với tôi nhiều hơn. Tất nhiên, nó luôn công bằng quan tâm cả ba đưa bọn tôi. Mấy năm đại học, chúng tôi cũng có nhiều dịp về nhà nhau dưới quê chơi. Con bé Vân xử khéo lắm nên bố mẹ đứa nào cũng khen rồi ỉ ôi chê con cái mình lười nhác, không hiểu lễ nghĩa, phép tắc.
Tôi sợ sau này ra ngoài đi làm rồi chuyện chồng con làm bù lu hết. Con bé Vân đùa nói với bọn tôi:
- Lo thì các bà tranh thủ mà yêu đương, học hành, đi chơi, giao lưu, nhất là phải cố mà yêu việc nhà nhé!
Và chắc chỉ có Vân mới đủ can đảm bày nhật ký ra cho chúng tôi đọc, chứ ai cũng nên giữ kín riêng cho mình. Cuốn nhật ký chứa nhiều cảm xúc không thể tưởng đến của Vân khiến cả phòng ai cùng khóc. Chỉ có mình nó hớn hở cướp lại cuốn sổ nhỏ đọc rang rang bài ca về cuộc sống tươi đẹp.