Mới đây, các nhà thám hiểm đã có cơ hội chiêm ngưỡng một loài sinh vật tuyệt đẹp và độc đáo tại bờ biển Durban (Nam Phi). Loài động vật sở hữu vẻ đẹp khó cưỡng này thuộc nhóm động vật chân kiếm (copepod) Sapphirina. Lớp da của chúng có thể nhấp nháy biến màu, từ màu xanh da trời thành vô hình trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, loài giáp xác đặc biệt này lại sở hữu lớp vỏ ngoài lấp lánh và trong suốt như thủy tinh chính là nhờ cấu tạo bao gồm lớp kính hiển vi hình lục giác, giúp chúng phản xạ một số bước sóng ánh sáng nhất định.
Chúng liên tục nhấp nháy khoác tấm áo từ xanh ngọc tới vô hình, khiến người xem có cảm giác chúng biến mất trong nháy mắt. Theo nhóm khảo sát, ngoài bờ biển ở Nam Phi, họ còn tìm thấy chúng ở Califorina và Rhode Island (Mỹ).
Các lớp tinh thể của ngọc bích thông thường cách nhau một khoảng có độ lớn bằng 4/10.000 milimet, tương tự một bước sóng của ánh sáng màu xanh nước biển.
Chính vì vậy, khi ánh sáng xanh chiếu tới lớp đá và phản xạ lại sẽ được giữ nguyên chất lượng của màu sắc, dẫn tới màu mà người quan sát thấy sẽ là xanh nước biển.
Ở sắc khác, do sự chênh lệch về bước sóng ánh sáng với khoảng cách của lớp tinh thể có chút thay đổi nên hầu như bạn khó nhận thấy màu thực sự. Loài sinh vật này có cấu trúc hoàn toàn tương tự.
Do đó, khi ở ngoài môi trường, chịu nhiều loại ánh sáng khác nhau nên sinh vật này lúc thì có màu xanh tuyệt đẹp, lúc lại gần như biến mất hoàn toàn vì không màu trong tích tắc.
Điều thú vị là chỉ các con đực mới có khả năng phát sáng như vậy, còn con cái thì không. Đổi lại, những con cái có mắt to hơn con đực. Lý giải cho đặc điểm này, các nhà nghiên cứu cho rằng, các con đực muốn cạnh tranh nhau để hấp dẫn phái nữ nên cố gắng tỏa sáng (tương tự đặc điểm của công), còn con cái thì có mắt to hơn để dễ dàng nhận ra các đốm sáng xanh ngoài biển khơi.