Trước đây, chương trình này chỉ dành cho 1% học sinh tiểu học trên phạm vi toàn quốc.
Từ năm 1984, ngành Giáo dục Singapore giới thiệu và triển khai chương trình Giáo dục Năng khiếu (GEP) dành cho học sinh tiểu học. Theo đó, mỗi năm, nước này tổ chức 2 bài thi năng khiếu cho học sinh lớp 3 trên toàn quốc để chọn ra 1% học sinh xuất sắc nhất theo học GEP.
Các em sẽ chuyển đến 9 trường tiểu học được nhà nước giao trọng trách bồi dưỡng học sinh năng khiếu, gồm Trường Tiểu học Anglo-Chinese, Trường Tiểu học Nanyang…
Tuy nhiên, từ năm nay, Singapore sẽ ngừng chọn lọc học sinh năng khiếu theo hình thức thi tuyển. Chính sách mới cho phép tất cả 180 trường tiểu học trên toàn quốc thiết kế chương trình bồi dưỡng cho học sinh giỏi.
Ước tính mỗi năm số học sinh năng khiếu được đào tạo sẽ lên tới 3 nghìn em. Những em này sẽ không phải chuyển đến 9 trường năng khiếu mà có thể được bồi dưỡng tại địa phương.
Thủ tướng Singapore, ông Lawrence Wong, chia sẻ: “Chúng tôi dừng bồi dưỡng học sinh năng khiếu theo phương pháp cũ với mong muốn phát triển năng lực cho học sinh tiểu học trên toàn quốc. Chương trình mới cho phép các em học sinh phát triển toàn diện và gắn bó với bạn bè, thầy cô tại ngôi trường các em đang theo học”.
Chương trình mới sẽ giúp học sinh tiểu học phát triển tư duy cao hơn ở một số môn học như Toán, Công nghệ, Khoa học. Ngoài giờ học chính khóa, các em sẽ học tăng cường, học theo mô-đun bồi dưỡng năng lực dưới sự hướng dẫn của những giáo viên có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm.
Ủng hộ quyết định của chính phủ, ông Patrick Tay, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục của Chính phủ Singapore cho biết, động thái trên sẽ “phá vỡ” rào cản về giáo dục trong thế hệ trẻ và thay đổi cuộc sống của họ.
“Dù các em học sinh ở bất cứ trường tiểu học nào, đến từ đâu đều sẽ nhận được sự hỗ trợ trong một hệ thống giáo dục công bằng. Các em sẽ có cơ hội hiện thực hóa đam mê của mình và phát triển toàn diện. Tôi tin rằng sẽ không còn ai bị bỏ lại phía sau”, ông Tay nhấn mạnh.
Khi áp dụng GEP, Chính phủ Singapore mong muốn đẩy nhanh tốc độ đào tạo học sinh tài năng nhằm giúp những em xuất sắc nhất khám phá hết tiềm năng của bản thân. Tuy nhiên, từ năm 2004, chương trình này đã bị xóa bỏ đối với cấp THCS sau những phản ánh trái chiều của dư luận.
Thay đổi trên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Học sinh THCS trên toàn quốc đều được giáo dục đồng đều, không còn khoảng cách giữa trường phổ thông truyền thống và trường bồi dưỡng năng khiếu.
Ông Patrick Tay, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục của Chính phủ Singapore, cho biết: “Từ trước đến nay, chúng ta đã quá tập trung vào những môn học truyền thống như Toán học, Ngôn ngữ. Học sinh hiện nay nên được bồi dưỡng ở nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực nhằm phát huy hết tiềm năng và khám phá đam mê cá nhân”.