Siết chặt việc giả danh báo điện tử và tỷ lệ tin tiêu cực trên báo chí

Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu phải phân biệt rạch ròi giữa báo và tạp chí điện tử.

Siết chặt việc giả danh báo điện tử và tỷ lệ tin tiêu cực trên báo chí

Tại hội nghị giao ban Quản lý nhà nước quý 3 của Bộ TT&TT, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đặt vấn đề, cần tiến hành khảo sát các cơ quan báo chí để tìm hiểu xem căn nguyên nào dẫn đến tình trạng báo chí chỉ thích đăng thông tin tiêu cực.

“Do cơ chế quản lý, do việc tự chủ hay do cơ chế tuyển dụng phóng viên không chặt chẽ được như trước, dẫn đến tình trạng cơ quan báo chí không quản lý được phóng viên?”, ông đặt câu hỏi.

Theo Thứ trưởng, chính sách tự chủ tài chính dẫn đến việc cơ quan báo chí không muốn ký hợp đồng lao động với phóng viên theo kiểu dài hạn để né bảo hiểm, thay vào đó chỉ ký hợp đồng cộng tác viên (CTV). Do chỉ là CTV, sự ràng buộc giữa người viết và cơ quan báo chí rất lỏng lẻo.

Siết chặt việc giả danh báo điện tử và tỷ lệ tin tiêu cực trên báo chí
Hội nghị giao ban Quản lý nhà nước quý 3 của Bộ Thông tin & Truyền thông

Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, Cục nắm được thông tin về số hợp đồng lao động tại các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, số liệu về CTV của Cục chưa đầy đủ do tính chất thay đổi liên tục.

Trước thực trạng này, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục Báo chí cần nắm chắc được cơ sở dữ liệu cụ thể về số lượng phóng viên, CTV của các tờ báo.

Từ tỷ lệ CTV, ta sẽ biết được liệu có đang diễn ra vấn đề tiêu cực nhiều như phản ánh hay không. Nếu tỷ lệ CTV quá 30%, chứng tỏ hệ thống nhân sự của báo đang có vấn đề.

Theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi đặt vấn đề thông tin tiêu cực trên báo chí quá nhiều, cần có hệ thống đo lường để nói được trong một ngày có bao nhiêu tin xấu, bao nhiêu tin tốt. Nếu tỷ lệ thông tin tiêu cực dưới 10% tổng số tin thì không cần bận tâm, 20% thì cảnh báo, 30% thì phải bắt đầu hành động.

Siết chặt việc giả danh báo điện tử và tỷ lệ tin tiêu cực trên báo chí
Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan báo chí phải kiểm soát được lượng tin tiêu cực trên mặt báo

Quyền Bộ trưởng cho biết, cái khó nhất để giải quyết vấn đề ở đây là người đọc thích đọc tin tiêu cực. Thứ hai, đó là bởi cơ chế trả lương của các tờ báo dựa trên view.

Theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, hiện cả nước có trên 600 tạp chí, nhưng chỉ có khoảng 30 tạp chí điện tử thường xuyên đưa những thông tin như báo điện tử. Cục Báo chí đã đánh giá tôn chỉ mục đích, đã làm việc và xử lý vi phạm nghiêm đối với các tờ báo này.

Người đứng đầu Cục Báo chí cũng chia sẻ, khi bị xử phạt, các tờ tạp chí điện tử này lại trở về đúng tôn chỉ mục đích, giảm liều lượng vi phạm. Tuy nhiên, do sự không rõ ràng giữa định nghĩa về báo điện tử và tạp chí điện tử, sau khoảng thời gian xử lý vi phạm, những đơn vị này vẫn hoạt động giống như báo điện tử. Để giải quyết vấn đề này, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu phải định nghĩa rõ ràng, có biện pháp đo lường và tiến hành xử lý.

Tuy nhiên, ông cũng gợi ý, với một số tạp chí đã trở thành một tờ báo có thương hiệu, tên tuổi và có giá trị tốt cho xã hội, hãy khuyến khích họ trở thành một tờ báo và đưa về một cơ quan chủ quản, thay vì xóa bỏ đi.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.