Siết chặt kinh doanh thuốc lá: Muộn còn hơn không

GD&TĐ - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 106/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong kinh doanh thuốc lá.

Siết chặt kinh doanh thuốc lá: Muộn còn hơn không

Bán thuốc lá sẽ phải xin phép

Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán sản phẩm thuốc lá; chế biến nguyên liệu thuốc lá, mua bán nguyên liệu thuốc lá và đầu tư trồng cây thuốc lá phải có giấy phép theo quy định.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn quán tạp hoá, trà đá vỉa hè… bán thuốc lá sẽ phải có “giấy phép” để bán thuốc lá! Nghị định sẽ có hiệu lực từ 1/11/2017 tới.

Ông Hồ Văn Thụ sống ở Nam Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, quy định này là hết sức cần thiết để hạn chế tác hại của thuốc lá.

Người tiêu dùng hiện quá dễ dàng để mua được thuốc lá, người bán thuốc lá ở vỉa hè như chúng tôi sẵn sàng bán thuốc cho bất kỳ ai có nhu cầu mua thuốc kể cả trẻ vị thành niên. Quản lý, cấp phép bán thuốc lá là điều hết sức cần thiết để hạn chế tình trạng này.

Nghị định số 106/2017/NĐ-CP quy định rất chi tiết và cụ thể từng đối tượng được phép kinh doanh thuốc lá, những đối tượng này được định danh rõ ràng trong giấy cấp phép như sau: Thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá; nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá và người bán lẻ sản phẩm thuốc lá.

Chị Nguyễn Thu Lan - chủ một quán trà đá trên đường Nguyên Hồng (Hà Nội) chia sẻ, tôi chỉ bán lẻ thuốc lá kèm với trà đá, ngày cũng chỉ vài bao/ngày, nhưng tới đây mà phải xin giấy phép thì quả là khó, bởi quán cóc của tôi kinh doanh không có giấy phép (chỉ kinh doanh tạm trên vỉa hè).

Trong khi đó để xin được giấy phép bán thuốc lá chúng tôi phải có đủ giấy phép đăng ký kinh doanh, chứng minh thư, hợp đồng mua bán với các doanh nghiệp bán buôn thuốc lá… mặt khác, việc kinh doanh cũng chỉ là “tạm thời” nay chỗ này, mai chỗ khác nên xin giấy phép là chuyện “không tưởng”. Bị phạt thì đành chịu thôi, chứ xin giấy phép ai dám cấp...

Cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành

Thực tế cho thấy, Nghị định số 106/2017/NĐ-CP chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP. Trước đó, Nghị định số 67/2013/NĐ-CP cũng đã quy định rõ điều kiện để kinh doanh thuốc lá là:

Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá; có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải có từ 3m2 trở lên;

Có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá; phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Thế nhưng, trên thực tế, những quy định này vẫn chưa thực sự có hiệu lực, bằng chứng là bất kỳ ai, lứa tuổi nào cũng có thể mua thuốc lá tại các cửa hàng, kể cả trẻ em. Những người kinh doanh thuốc lá thì cũng chẳng cần giấy phép và cũng không phải chịu sự thanh tra giám sát nào cả.

Trẻ em mua thuốc lá còn dễ hơn mua mớ rau ngoài chợ. Thế nên, quan trọng là quản lý, cấp phép thế nào để Nghị định thực sự có hiệu quả ngăn chặn chứ không phải là quy định rồi... để đó.

Trước tác hại ghê gớm của thuốc lá đối với con người và xã hội, từ lâu Nhà nước đã xếp thuốc lá thuộc nhóm hàng hoá hạn chế buôn bán, kinh doanh.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán thuốc lá; chế biến nguyên liệu thuốc lá, mua bán nguyên liệu thuốc lá và đầu tư trồng cây thuốc lá đều phải có giấy phép.

Tuy nhiên, lâu nay các quy định về thuốc lá chưa phát huy được hiệu lực ngăn chặn và bảo vệ cộng đồng theo đúng nghĩa mà vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.

Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, các địa phương trong việc quản lý hoạt động kinh doanh bán lẻ thuốc lá, tăng tính hiệu quả của “hàng rào kỹ thuật” có tính pháp lý, chế tài, nhằm hạn chế sự tràn lan của loại sản phẩm độc hại cho sức khoẻ cộng đồng nói chung chứ không riêng với đối tượng hút thuốc lá, dần dần nâng cao ý thức của người dân, từ đó mới có thể tạo nên thói quen “không hút thuốc” như một cách hành xử văn minh và tôn trọng sức khoẻ cộng đồng.

Nghị định 106/2017/NĐ-CP ghi rõ, kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán sản phẩm thuốc lá; chế biến nguyên liệu thuốc lá, mua bán nguyên liệu thuốc lá và đầu tư trồng cây thuốc lá phải có giấy phép theo quy định...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ