Siết chặt an toàn cho học sinh mùa tựu trường

GD&TĐ - Siết an toàn, triển khai "Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9"; Các nội dung phát triển giáo dục tiểu học; điểm chuẩn tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ,… là những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm tuần qua.

Hân hoan mùa tựu trường. (Ảnh minh họa/nguồn Internet)
Hân hoan mùa tựu trường. (Ảnh minh họa/nguồn Internet)

Tập trung nguồn lực nâng chất lượng GD tiểu học

Liên quan đến các nội dung, chiến lược phát triển giáo dục tiểu học, tuần qua, Bộ GD&ĐT tổ chức “Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục Tiểu học”. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Phùng Xuân Nhạ dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng đã nêu 5 nhóm vấn đề yêu cầu đại biểu các địa phương cùng tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và cách tháo gỡ: Việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) hiện hành và chuẩn bị CTGDPT mới; Vấn đề về chất lượng, số lượng đội ngũ GV; Cơ sở vật chất trường lớp; Vấn đề giáo dục văn hóa đạo đức cho HS từ bậc Tiểu học; Xây dựng môi trường an toàn lành mạnh trường học.

Đại diện các địa phương đã có những chia sẻ, đề xuất về các vấn đề trên cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT và đã nhận được sự giải đáp, hướng dẫn từ các đơn vị chức năng liên quan.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: gdtd.vn)
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: gdtd.vn) 

Theo Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học - Thái Văn Tài: Trong năm học 2019- 2020, giáo dục Tiểu học sẽ tập trung hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới từ năm học 2020-2021 với một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất các trường TH đáp ứng điều kiện thực hiện CTGDPT mới ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018; nâng cao chất lượng đội ngũ GV và CBQL giáo dục; chuẩn bị sách giáo khoa theo CTGDPT mới;

Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý; tăng cường nền nếp, kỷ cương nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học...

Cùng nội dung, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dự và chủ trì hội nghị tổng kết các phương pháp đổi mới dạy học đối với cấp tiểu học, tại Quảng Ninh, ngày 15/8.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng đặc biệt lưu ý các địa phương cần tạo điều kiện cơ bản để việc đổi mới PPDH được triển khai. Cụ thể cần chú ý xây dựng đội ngũ GV đủ phẩm chất năng lực, sự tâm huyết trách nhiệm trong việc đổi mới PPDH; Cần quan tâm bồi dưỡng đội ngũ GV, tạo động lực để GV làm tốt nhất trong vấn đề đổi mới PPDH;

Vấn đề xã hội hóa GD tạo tiền đề cơ sở vật chất cho đổi mới PPDH cần công khai minh bạch, có minh chứng để chuyển vật chất thành chất lượng giáo dục. Đặc biệt, đội ngũ CBQL GD cần là người đi đầu trong vấn đề đổi mới các PPDH…

Thủ tướng yêu cầu triển khai "Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9". (Ảnh minh họa)
 Thủ tướng yêu cầu triển khai "Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9". (Ảnh minh họa)

Siết chặt an toàn đưa đón học sinh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ điều kiện phương tiện, người lái và an toàn giao thông đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng xe buýt, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp đáng tiếc như thời gian qua.

Đây là một trong những nội dung trong công điện của Thủ tướng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2019 - 2020 gửi tới các bộ, ngành liên quan và các tỉnh thành.

Thủ tướng yêu cầu triển khai "Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9".

Liên quan nội dung đảm bảo an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô, Bộ GD&ĐT vừa có công văn đến các địa phương, yêu cầu “siết” chặt quy trình này.

Theo đó, hiệu trưởng hoặc người đại diện pháp luật của cơ sở giáo dục, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động đưa đón và sự an toàn của học sinh. 

Theo đó, các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho người học, có biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông cho học sinh đến trường, đặc biệt lưu ý các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trong mùa mưa lũ. 

Có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông, bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, nhất là trên các trục chính ra vào Hà Nội và TP.HCM, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại khu vực trường học trong ngày khai giảng.

Phải nâng chuẩn để “đánh trượt” thí sinh xét tuyển là trường hợp hi hữu (Ảnh minh họa)
 Phải nâng chuẩn để “đánh trượt” thí sinh xét tuyển là trường hợp hi hữu (Ảnh minh họa)

Vì sao trường ĐH phải nâng chuẩn để “đánh trượt” thí sinh?

Trước sự kiện hi hữu một vài trường ĐH thiếu người học đến độ phải nâng chuẩn để “đánh trượt” thí sinh xét tuyển, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã có ý kiến về vấn đề này.

Mặc dù trong điều kiện các trường tự chủ tuyển sinh thì cách làm của trường không vi phạm quy định cụ thể nào của quy chế tuyển sinh nhưng nhà trường nên tính đến nguyện vọng của thí sinh, nhất là khi các thí sinh đã lựa chọn trường mình để ĐKXT.

Trong toàn hệ thống, các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh như Trường ĐH Đồng Nai, Trường ĐH Hùng Vương TP HCM không nhiều.

Bên cạnh một số tác động như buộc các trường phải nâng cao chất lượng để thu hút thí sinh, buộc phải đánh giá nhu cầu của thị trường khi mở ngành; buộc phải khảo sát nhu cầu của thị trường và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi những ngành cũ giảm đi, ngành mới phát sinh… thì cũng cần tính đến các giải pháp hợp lý để đảm bảo quyền của thí sinh và quyền tự chủ của các trường. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm tạo ra cơ chế đề các trường và thí sinh thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ